Kiên Giang kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách cho đặc khu Phú Quốc

Tỉnh Kiên Giang kiến nghị xin thêm một chức danh cấp phó đặc khu (lên ba thay vì hai) để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nông nghiệp cao; ưu đãi tăng thu cho khu đặc khu…
Đồng chí Phùng Quốc Hiển làm việc với tỉnh Kiên Giang về cơ chế, chính sách cho đặc khu Phú Quốc. Ảnh: VĨNH THUẬN
Đồng chí Phùng Quốc Hiển làm việc với tỉnh Kiên Giang về cơ chế, chính sách cho đặc khu Phú Quốc. Ảnh: VĨNH THUẬN

Ngày 23-4, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) để nghe báo cáo tình hình mô hình đặc khu Phú Quốc; các cơ chế, chính sách áp dụng tại đặc khu; công tác quản lý quy hoạch đất đai tại huyện Phú Quốc.

Báo cáo với đoàn công tác, bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, khi thành lập đặc khu, Phú Quốc có diện tích trên 57.529 ha với 29.185 hộ (trừ xã Thổ Châu do đã lập đề án thành lập huyện Thổ Châu); có 9 khu hành chính được chuyển đổi từ 2 thị trấn và 7 xã hiện có.

Theo đề án tỉnh Kiên Giang đang xây dựng, mô hình tổ chức hệ thống chính trị đặc khu Phú Quốc bao gồm đảng bộ, chính quyền đặc khu; mặt trận tổ quốc và các đoàn thể; các cơ quan nội chính, tư pháp và ngành dọc khác trên địa bàn. Nhất thể hóa các cơ quan Đảng, chính quyền; nhất thể hóa chức danh Bí thư ban chấp hành đảng bộ đặc khu là Chủ tịch UBND đặc khu; Bí thư đảng bộ đặc khu hành chính đồng thời là Trưởng khu hành chính. Tổ chức đảng trong đặc khu Phú Quốc thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và theo mô hình 3 cấp, gồm đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở.

Quan điểm xây dựng các chính sách đầu tư, kinh doanh và ưu đãi cho đặc khu Phú Quốc không dựa quá nhiều vào chính sách miễn, giảm thuế mà nội dung chính là xây dựng theo nhóm chính sách toàn diện để tạo môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi riêng đối với nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo tập trung không dàn trải, có tính đến ưu đãi cho từng giai đoạn phát triển.

Theo quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc là 58.923 ha, trong đó đất dành cho đầu tư phát triển các khu chức năng khoảng 11.200 ha, gồm đất phát triển đô thị, đất phát triển du lịch, đất chuyên dùng, đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật, còn lại đất rừng, nông nghiệp, cây xanh, an ninh – quốc phòng và dự trữ phát triển. Tính đến ngày 15-4-2018, có 277 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch trên huyện đảo Phú Quốc với diện tích 10.674 ha, ước tổng vốn đầu tư đăng ký trên 361.000 tỷ đồng.

Kiến nghị với với đoàn công tác, tỉnh Kiên Giang xin thêm một chức danh cấp phó đặc khu (lên ba thay vì hai) để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nông nghiệp cao; ưu đãi tăng thu cho khu đặc khu…

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao lộ trình xây dựng mô hình đặc khu Phú Quốc.

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mô hình chính quyền đặc khu, cơ chế chính sách thì Phú Quốc là một trong ba đặc khu có lợi nhất vì hội đủ các điều kiện xây dựng. Tuy nhiên, Phú Quốc phải xác định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và dài hơn nữa; tập trung phát triển du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng cao; chú ý quy hoạch phát triển thêm trung tâm tài chính quốc tế hay dịch vụ hàng hải; trung tâm chữa bệnh cao cấp.

Từ chiến lược đó phải xây dựng được quy hoạch, phải tính đến quy mô lớn, nhất là trong đề án phải cần tính đến nguồn lực, lao động; cân đối về môi trường, nước ngọt, rác thải, hạ tầng du lịch…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý với tỉnh Kiên Giang chính sách đất đai xây dựng ở Phú Quốc phải có đặc thù riêng với các địa phương khác để thu hút đầu tư nhưng không giảm đi nguồn lực đất đai. Nếu không sử dụng khéo thì chính đất đai sẽ là vật cản phát triển kinh tế ở “đảo ngọc” này.

Tin cùng chuyên mục