Kiến nghị thanh tra việc giao khoán đất tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn

Tuy trên sổ sách công ty quản lý diện tích lớn trên 6.600ha nhưng thực chất chỉ còn 550ha, hiện nay trồng mía, bưởi da xanh, ổi… nhưng hầu hết cũng manh mún vì đất khoán theo chính sách trước đây. 

Tại buổi giám sát về công tác quản lý, sử dụng và xử lý nhà -  đất thuộc sở hữu nhà nước của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM ngày 6-6, ông Lê Tấn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cho biết, tuy trên sổ sách công ty quản lý diện tích lớn trên 6.600ha nhưng thực chất chỉ còn 550ha, hiện nay trồng mía, bưởi da xanh, ổi… nhưng hầu hết cũng manh mún vì đất khoán theo chính sách trước đây.

Sagri kiến nghị TP giao Thanh tra TP tiến hành thanh tra toàn bộ đất đai, khoán đất… bởi đây là vấn đề rất phức tạp, có hơn 90% hộ khoán đất là sử dụng không đúng mục đích, cũng không phải là dân địa phương tại huyện Bình Chánh.

Báo cáo tại buổi giám sát, lãnh đạo Sagri nêu việc hiện nay truy thu nợ tiền thuê đất của các cơ quan nhà nước từ hai công ty trực thuộc rất khó khăn. Cụ thể, Công ty Bò sữa nợ tiền thuê đất của Nhà nước đang bị truy thu 166 tỷ đồng (2006 - 2016); Công ty Cây trồng phải đóng nợ 123 tỷ đồng cũng trong giai đoạn 2006 - 2016. Trong khi đó vốn điều lệ của Công ty Bò sữa 543 tỷ đồng, đặc biệt Công ty Cây trồng vốn điều lệ 60 tỷ đồng nếu đóng thì âm luôn vốn điều lệ.

Sagri kiến nghị UBND TP để TP kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ không truy thu thuế, nhưng sau đó lại thống nhất phải truy thu. Nguyên nhân, từ năm 2005, thực hiện theo Nghị định 170, các nông lâm trường sắp xếp và chuyển thành công ty TNHH MTV lẽ ra giao đất năm 2007 và tính tiền thuê đất, đồng thời xác định đơn giá thuê đất. Tuy nhiên lúc đó các sở ban ngành, tổng công ty không có hướng dẫn cụ thể, nên đến năm 2013 mới phát sinh tiền thuê đất. Hơn nữa việc truy thu cũng không phù hợp vì lúc đó chưa có đơn giá, không có cơ sở hướng dẫn để nộp.

Nêu lên thực trạng khó khăn của sản xuất nông nghiệp hiện nay, lãnh đạo Công ty Cây trồng cho biết, quá trình cải tạo đất có tốt lên nhưng ô nhiễm càng ngày càng trầm trọng, tình hình ngập úng mỗi năm mỗi tăng, mỗi năm mức nước dâng lên ít nhất 5cm. Vì vậy tình hình chống úng ngập phức tạp, chỉ trồng được 2 - 3 năm là cây chết. Sự chuyển đổi cây trồng không theo kịp, nên việc canh tác bị thâm vốn đầu tư. Mặt khác, khung giá thuê đất của TP quá cao, ảnh hưởng đến đơn giá thuê đất, cao hơn nhiều lần so với các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, không phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, đối với cây trồng hàng năm, đơn giá thuê đất trước đây theo vị trí 1 chỉ đóng tiền 3,6 triệu đồng/ha, thì nay tăng lên 13 triệu đồng/ha; còn cây lâu năm, trước đây 4,2 triệu đồng/ha thì nay 15 triệu đồng/ha.

Sagri cũng kiến nghị lấy 11 mặt bằng hiện do đơn vị quản lý để đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị, điểm kinh doanh mang thương hiệu. Tuy nhiên, do Sagri không có chức năng bán lẻ và đầu tư bất động sản nên không được đồng ý. “Hiện nay chúng tôi đang xây dựng phương án để tiếp tục trình, nếu không được phê duyệt thì chúng tôi không biết làm gì ở Sagri này. Chúng ta lúc nào cũng chỉ đạo tạo nên chuỗi sản phẩm hàng hóa để tiêu thụ… nhưng nếu tạo nên sản phẩm mà không có trung tâm thương mại của mình thì làm được gì?”, ông Lê Tấn Hùng giãi bày.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, đề nghị Sagri đeo bám các kiến nghị với TP để tháo gỡ các khó khăn nhằm tạo ra các chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm phục vụ cho người dân TP, các sở ngành cần phúc đáp sớm các kiến nghị của Sagri; đồng thời xem xét việc chuyển đổi đất nông nghiệp để sử dụng hiệu quả, cho phù hợp với sự phát triển của TP…

Tin cùng chuyên mục