“Kiếp sau xin lại cho tôi cầm chèo”

Đó là tâm nguyện chung của các giáo viên bậc THPT của TPHCM đoạt giải thưởng Võ Trường Toản. Tận tâm với nghề “lái đò”, mày mò sáng tạo để học sinh ham học, học giỏi, tỏa sáng tài năng, các thầy cô đã gặt hái những vụ mùa bội thu trái ngọt.
“Kiếp sau xin lại cho tôi cầm chèo”

Đó là tâm nguyện chung của các giáo viên bậc THPT của TPHCM đoạt giải thưởng Võ Trường Toản. Tận tâm với nghề “lái đò”, mày mò sáng tạo để học sinh ham học, học giỏi, tỏa sáng tài năng, các thầy cô đã gặt hái những vụ mùa bội thu trái ngọt.

“Kiếp sau xin lại cho tôi cầm chèo” ảnh 1

Cô Đỗ Thị Thanh Trúc - Trường THPT Lê Quý Đôn trao đổi với những học trò giỏi Anh văn


Thích môn Văn vì cô dạy hay

Suốt 32 năm gắn bó với bục giảng, cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên dạy Văn Trường THPT Thủ Đức, luôn trăn trở với “nghiệp Văn, nghiệp đời”. Dành tâm huyết cho chuyên môn, cô không ngừng đầu tư, làm mới phương pháp dạy học để tạo ra những tiết học sinh động, truyền thụ cảm xúc văn học đến học trò. Trong tổ chức học nhóm, thảo luận, thuyết trình đề tài, cô luôn khơi gợi sự sáng tạo, tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của từng em. Chia sẻ kinh nghiệm dạy môn văn sao cho hay, đặc biệt có nhiều học trò giỏi môn tự nhiên cũng thích vào đội tuyển giỏi Văn, cô Phượng cho biết: “Học trò đánh giá về thầy cô và chất lượng giảng dạy  rất khách quan. Vì thế, tôi chọn cách lắng nghe tâm sự, nhận xét của học trò về mình. Và mỗi năm khi học trò đã thi cử xong, sắp ra trường, tôi cho các em thoải mái tự sự, viết về suy nghĩ, cảm nhận học môn Văn cũng như cách dạy của giáo viên”. Những lời thổ lộ chân tình, có khen, có chê và góp ý tinh tế của học trò đã giúp cô điều chỉnh cách dạy môn Văn hay hơn, hiệu quả hơn. Nhẹ nhàng dẫn dắt các em đến với tình yêu môn Văn, cô không chỉ trang bị kiến thức mà còn rút ra nhiều bài học có giá trị nhân văn, giúp học sinh làm giàu hành trang sống đẹp, sống có ích. Chuẩn bị chia tay với nghề “đưa đò”, cô vẫn nặng lòng với nghề và bộc bạch qua những dòng thơ: Mấy mươi năm chở học trò. Qua sông kiến thức đến bờ vinh quang. Và dù còn nhiều trăn trở, cô vẫn khẳng định: Kiếp sau xin lại cho tôi cầm chèo.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Xuân Hương, giáo viên môn Văn Trường THPT Gia Định, cũng truyền đam mê học Văn cho học trò bằng niềm say mê nghề nghiệp. Luôn đi đầu trong đổi mới cách dạy, cô đã tạo ra những tiết học sáng tạo thông qua sân khấu hóa, hoạt cảnh, thuyết trình… và điều này giúp học trò thẩm thấu từng nhân vật, tác phẩm văn học. Từ đó, nhiều học trò thích học và giỏi Văn tự nguyện dấn thân vào lĩnh vực khoa học xã hội. Không chỉ nổi bật chuyên môn ở các hội thi sáng kiến kinh nghiệm, thao giảng, cô còn mang về cho trường niềm vui có 24 học sinh giỏi Văn cấp TP và 30 huy chương Olympic. Với công tác chủ nhiệm, cô cũng như người mẹ hiền luôn gần gũi, sẻ chia với học trò và tìm mọi cách giúp đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục hành trình học chữ.

Giúp học trò tự tin hội nhập

Là tổ trưởng tổ tiếng Anh (Trường THPT Lê Quý Đôn), Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Trúc không chỉ là tấm gương sáng cho các giáo viên trẻ noi theo, mà còn kích hoạt phong trào đổi mới dạy - học tiếng Anh trong trường phổ thông theo mô hình tiên tiến. Theo đó, mỗi tiết học chính khóa hay ngoại khóa đều trở thành sân chơi sáng tạo được sân khấu hóa hay thuyết trình theo nhóm bằng tiếng Anh… Từ khi Trường THPT Lê Quý Đôn chuyển sang mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế đầu tiên của TPHCM, cô luôn là người đi đầu trong việc nâng cao năng lực chuyên môn theo chuẩn và đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm đào tạo học sinh đáp ứng được yêu cầu hội nhập giáo dục quốc tế. Để học sinh không cảm thấy nhàm chán trong giờ học tiếng Anh, ngoài ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng hoạt động nhóm, thuyết trình, cô còn đưa ra ý tưởng hay để học sinh phát huy năng lực, khả năng tự tìm tòi, sáng tạo...

Ngoài ra, để tạo môi trường thực hành, nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, cô cùng với tổ chuyên môn phát triển câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa, thi hùng biện bằng tiếng Anh… Chứng kiến học sinh trường Lê Quý Đôn “trổ tài”, tự tin thuyết trình tiếng Anh lưu loát, nhiều giáo viên lẫn phụ huynh đều thán phục. “Được nhúng trong môi trường thực hành tiếng Anh theo chuẩn, được thoải mái sáng tạo, học sinh cảm thấy thích thú và học môn này hiệu quả hơn”, cô Thanh Trúc đúc kết kinh nghiệm dạy học theo mô hình tiên tiến như thế. Nhờ biết cách truyền lửa, truyền cảm hứng, cô đã làm cho học sinh yêu thích môn ngoại ngữ và tỏa sáng thành tích thi học sinh giỏi. Không bất ngờ khi đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh do cô bồi dưỡng đã mang về cho trường 54 giải thưởng cao ở kỳ thi Olympic tháng 4, học sinh giỏi cấp TP.

Cô Trần Thị Thủy, giáo viên môn Toán, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cũng để lại ấn tượng khó quên đối với nhiều thế hệ học trò. Nhờ đầu tư cho những bài giảng công phu và luôn đổi mới cách dạy, soạn giáo án, cô đã truyền lửa yêu thích học môn Toán, giúp học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi đại học. Không chỉ gieo mầm tri thức, trong vai trò chủ nhiệm lớp, cô luôn gần gũi học trò, coi trọng việc giáo dục về đạo đức, lối sống, hoàn thiện kỹ năng sống cho các em. Để các em vững bước vào đời, có tương lai ổn định, cô còn định hướng chọn ngành, chọn nghề cũng như cách “săn lùng” học bổng du học. Không muốn nói về thành tích, sáng kiến kinh nghiệm của mình, cô Thủy đúc kết niềm vui gắn bó với nghề dạy học suốt 32 năm qua: “Khi coi học trò như con và được các em tin cậy sẻ chia, bộc bạch mọi điều, tôi cảm thấy đó là hạnh phúc, là món quà tri ân mà nghề giáo đã dành cho mình”.

Cũng tỏa sáng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, đào tạo nhân tài nhưng thầy Phạm Vì Dân, Thạc sĩ Vật lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, lại khiêm tốn bộc bạch rằng kết quả này là do sự phấn đấu của học trò là chính. Thật đáng nể với những con số mà đội tuyển học sinh giỏi do thầy dẫn dắt đã gặt hái được: 22 giải cấp TP, 8 giải quốc gia, 12 huy chương vàng Olympic và  Olympic tháng 4. Thầy tâm niệm, là người thầy thì lúc nào cũng phải cố gắng, phải nỗ lực trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ để mang đến cho học trò kiến thức mới, khuyến khích các em phát triển tư duy năng động, sáng tạo. Không chỉ hoàn thành bộ tài liệu bài tập vật lý dành cho học sinh 3 khối THPT, tuyển tập trắc nghiệm Vật lý dành cho học sinh lớp 12 ôn tập kỳ thi THPT quốc gia, thầy còn tham gia giảng dạy học sinh khối chuyên, đội tuyển học sinh giỏi TP đi thi quốc gia và dạy môn Lý bằng tiếng Anh.

Giảng dạy môn giáo dục quốc phòng - an ninh, thầy Võ Văn Thấy, Trường THPT Marie Curie, luôn tâm huyết với nghề, bộ môn và có tác phong đạo đức chuẩn mực. Không chỉ có nhiều sáng kiến về chuyên môn, giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng, thầy còn huấn luyện 71 học sinh đoạt giải trong hội thi cấp TP về giáo dục quốc phòng - an ninh.

Yêu nghề và đón nhận sự tôn vinh - món quà tri ân từ nghiệp “trồng người”, tất cả thầy cô đoạt giải thưởng Võ Trường Toản đều tâm sự rằng “nếu được chọn lại nghề, họ vẫn chọn nghề giáo”.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục