Kim ngạch xuất khẩu da giày ước đạt 22 tỷ USD

Tại hội nghị bàn giải pháp tăng trưởng xuất khẩu ngành da giày Việt Nam tổ chức mới đây, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành năm 2019 ước đạt 22 tỷ USD và mức tăng trưởng sẽ đạt 11%.
Sản xuất giày tại một đơn vị. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất giày tại một đơn vị. Ảnh: CAO THĂNG

Cũng theo ông Diệp Thành Kiệt, ngành da giày Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển. Cụ thể, lương lao động tại Việt Nam thấp. Dự tính với mức lương lao động sẽ tăng khoảng 5% trong năm nay thì mức lương lao động nước ta vẫn cạnh tranh tốt hơn so với các nước trong khu vực.

Về thị trường, những thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh. Đơn cử, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (FTA CPTPP) đã được thông qua, giúp ngành xuất khẩu da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ. Ở thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu đang duy trì ổn định. Và nếu Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA) kỳ vọng được thông qua năm nay, sẽ tạo động lực thúc đẩy mức tăng trưởng của toàn ngành lên trên 15%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 22 tỷ USD.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành này cũng rất nhiều. Cụ thể, doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu. Do đó, những biến động về giá thành nguyên liệu có thể tác động mạnh đến tăng trưởng ngành. Mặt khác, quy mô doanh nghiệp hoạt động trong ngành phần lớn là vừa và nhỏ nên chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn chủ yếu là gia công.

Mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất của ngành da giày Việt Nam còn kém, năng suất lao động chỉ bằng 60% - 70% so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài những thách thức nội tại, doanh nghiệp sản xuất da giày còn phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế phòng vệ khi bị phát hiện đánh tráo xuất xứ hàng xuất khẩu và chính sách bảo hộ thương mại từ các quốc gia ngày càng tăng cao .

Do vậy, để tăng nội lực phát triển, doanh nghiệp Việt cần thiết phải đổi mới công nghệ sản xuất đủ để cung ứng được những đơn hàng lớn, tạo nền tảng để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Song song đó, tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm, từng bước nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm ngành da giày xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục