Kinh nghiệm quý của những cậu bé vàng

Ngày 30-7 vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT cùng đông đảo các thầy cô giáo, bạn bè, người thân đã tổ chức đón đoàn học sinh dự thi Olympic Vật lý và Hóa học quốc tế trở về.
Bộ GD-ĐT đón đoàn dự thi Olympic Hóa học và Vật lý chiến thắng trở về
Bộ GD-ĐT đón đoàn dự thi Olympic Hóa học và Vật lý chiến thắng trở về

Ngay từ 5 giờ sáng, rất nhiều thầy cô giáo, bạn bè, người thân các học sinh ở tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định... đã có mặt tại sảnh đón sân bay Nội Bài. Nhiều băng rôn chào mừng, ngập tràn hoa tươi chờ đón các học sinh xuất sắc của đất nước trở về thành công sau khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Khả năng tự học và nuôi dưỡng đam mê

Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 49 năm 2018 được tổ chức tại Cộng hòa Bồ Đào Nha từ ngày 21 đến ngày 29-7, với sự tham gia của 86 nước và vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam đã đoạt giải cao với 2 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB) và 1 huy chương đồng (HCĐ). Em Nguyễn Ngọc Long, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), là một trong 2 học sinh giành HCV tại Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 49 năm 2018.

Tại sân bay, được đề nghị chia sẻ kinh nghiệm học tập để giành giải vàng quốc tế, Nguyễn Ngọc Long khiêm tốn nói rằng em không có kinh nghiệm gì đặc biệt. Khi học thì chú ý nghe giảng trên lớp, về nhà tự tìm hiểu thêm tài liệu trên mạng. Trước khi thi thì cố gắng ôn luyện bằng một chương trình khoa học và không nên quá áp lực về kỳ thi.

Đón Long ở sân bay Nội Bài có hơn 20 bạn cùng lớp chuyên Lý trường Lam Sơn. Các em đều không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào với Long. Bạn bè khen Long là một chàng trai đa tài, nấu ăn ngon và đặc biệt vô cùng hài hước. Khi Long trả lời phỏng vấn của phóng viên, cả nhóm bạn vây quanh và không ngừng có những cử chỉ tinh nghịch để trêu chọc bạn mình. Ngoài học, Long thích nghe nhạc, xem phim, thích cả chơi game. Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, bố của Long, cho biết Long khá toàn diện, không chỉ học giỏi mà còn tham gia toàn bộ các hoạt động thể thao, văn nghệ, học nhạc, đá bóng, chơi bóng rổ, học bơi và rất chăm làm việc nhà. Biết con có tố chất, gia đình rất tin tưởng vào con, động viên con thường xuyên rèn luyện để đạt thành tích cao nhất. 

Ông Tuyên bật mí, lên cấp 2 Long mê Vật lý, còn ở bậc tiểu học thì đam mê máy tính. Lớp 5, Long đoạt giải nhất tỉnh Thanh Hóa trong cuộc thi Tin học trẻ không chuyên và tham gia cuộc thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc. Không chỉ Vật lý, Long học đều các môn, có mặt trong đội tuyển của trường năm cấp 2 cả Toán, Vật lý, Hóa, Tiếng Anh. Khi đứng đầu đội tuyển Vật lý, Long quyết định dành tình yêu cho môn này. “Long đi thi thường tự chấm điểm cho mình và tự chấm giải luôn. Như ở cuộc thi năm nay, thi xong thì Long cũng nhắn với gia đình là khả năng được HCV”, bố Long kể về cậu con trai của mình. 

Cậu bé giành “cú đúp vàng”

Olympic Hóa học quốc tế năm 2018 lần thứ 50 tổ chức tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Solovakia, với sự tham dự của 304 thí sinh đến từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 4 thí sinh dự thi. Kết quả, có 4/4 thí sinh dự thi đoạt huy chương, gồm 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Phạm Đức Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), là thí sinh đoạt HCV duy nhất của Việt Nam. Đặc biệt, đây là năm thứ 2 em đoạt HCV Hóa học quốc tế, năm ngoái, khi còn là học sinh lớp 11, Đức Anh đã mang về HCV đầu tiên. Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Đức Anh cho biết em thường tham khảo các thầy cô bạn bè, kinh nghiệm các anh chị đi trước xem có tài liệu, sách vở nào hay, em cũng thường xuyên lên mạng vào các diễn đàn khoa học của nước ngoài để tìm kiếm tài liệu. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng khoa Dược của Viện Da liễu trung ương, một người luôn sát cánh cùng con trai, cũng cho biết: “Đức Anh không học thêm nhiều, mà thường đào sâu tìm hiểu vấn đề. Gặp vấn đề gì mới, khó, Đức Anh thường lục tung cả Internet lên để đào sâu, kể cả thông tin về các nhà khoa học liên quan đến vấn đề đó”. Bất cứ bài nào thầy cô dạy, Đức Anh đều hiểu và làm ngay tại lớp, sau đó về nhà Đức Anh lên mạng và tìm hiểu tất cả các thông tin về vấn đề đó, bao gồm các công trình nghiên cứu của các nước, các bài báo, các tác giả…, vì thế Đức Anh nắm rất chắc vấn đề. 

Với HCV năm 2017, Đức Anh đã thực hiện được ước mơ đổi màu huy chương cho anh trai cách đây 10 năm (anh trai Đức Anh là Phạm Anh Tuấn, cách đây 10 năm giành HCĐ Hóa học quốc tế). Còn HCV năm nay, Đức Anh cho rằng đó là minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, thầy cô giáo và gia đình. “Đặc biệt với tấm HCV này, em mong muốn các em thế hệ sau sẽ nhìn vào đó để giành thành tích ấn tượng hơn”, Đức Anh chia sẻ. Phạm Anh Tuấn, anh trai Đức Anh (hiện là bác sĩ nội trú Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương), chia sẻ 2 HCV của Đức Anh là trái ngọt sau 12 năm cố gắng. “Cách đây chục năm tôi đoạt được HCĐ, còn nhỏ xíu nhưng Đức Anh đi đón tôi ở sân bay đã nói sau này em cũng thi như anh và còn đoạt vàng. Rồi cậu bé đã rất chăm học. Em học 20 tiếng/ngày, chỉ ăn, nghỉ, rồi lại học, học không ngừng nghỉ”, Phạm Anh Tuấn chia sẻ. Đức Anh làm nhiều bài tập, giáo trình của các trường trên thế giới, tiếng Anh khá giỏi. “Học như thế này thực sự phải là một niềm đam mê vô tận”, Phạm Anh Tuấn nói.

Tới đây Đức Anh sẽ theo học Đại học Y Hà Nội. Nghề y là một đam mê của em và cũng là định hướng của gia đình đối với Đức Anh từ khi còn nhỏ.

Tin cùng chuyên mục