Kinh tế toàn cầu đến ngã ba đường

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,6%, trong bối cảnh thế giới đối mặt với tranh chấp thương mại căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn; đầu tư và tín nhiệm toàn cầu sụt giảm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Mong manh

WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 trong một báo cáo được công bố vào ngày 4-6. Mặc dù dự báo cho vay phát triển toàn cầu trong giai đoạn phục hồi khiêm tốn vào năm 2020 và 2021, WB cho biết cần rất nhiều nỗ lực mới có thể đạt được điều này.

Mối nguy hiểm lớn nhất là viễn cảnh các cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới trở nên tồi tệ hơn. Nền kinh tế thế giới hiện đang dự kiến sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2019 nhưng WB gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức nợ gia tăng và cảnh báo các nền kinh tế mới nổi. Tân Chủ tịch WB David Malpass, người từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, đã tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ Mỹ - Trung Quốc, cho biết, tăng trưởng toàn cầu “mong manh” và cuộc chiến chống đói nghèo thế giới đã chậm lại. AP dẫn lời ông Malpass nói: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức đáng kể”.

Theo nhà kinh tế Ayhan Kose của WB, dự báo mới được WB đưa ra rất quan trọng với điểm mấu chốt là nền kinh tế toàn cầu đang đi đến “ngã ba đường”. Khối lượng thương mại thế giới dự kiến sẽ giảm mạnh.

Đông Á - Thái Bình Dương ảm đạm

Ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, dự báo tăng trưởng GDP không quá 6% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Dự báo của Trung Quốc ít thay đổi, với mức tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm nay. Dự báo với kinh tế Mỹ không thay đổi, với mức tăng trưởng GDP đạt 2,5% trong năm 2019 trước khi suy yếu xuống còn 1,7% vào năm 2020. Mặc dù vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn các nền kinh tế tiên tiến khác. Kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng 1,2%.

Báo cáo của WB cho biết, xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu và châu Á đã suy giảm “đặc biệt cấp tính”; các điều kiện tại khu vực đồng EUR đã “xấu đi nhanh chóng” khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Trung Á và các nơi khác đã bị thu hẹp. Hai nền kinh tế hàng đầu của Mỹ Latinh là Brazil và Mexico, đã có những bước dẫn đến những điều tồi tệ hơn. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Mexico giảm 0,3%, còn 1,7%; Brazil giảm 0,7%, còn 1,5%. Điều này chưa tính đến tác động của việc Tổng thống Mỹ áp thuế trừng phạt hàng hóa Mexico liên quan đến tình trạng dân nhập cư từ Mexico ồ ạt vào Mỹ.

Chủ tịch WB Malpass nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế mạnh là yếu tố thiết yếu để giảm đói nghèo và cải thiện mức sống của người dân. Do đó, ông khuyến cáo các chính phủ nên khẩn trương tiến hành những chương trình cải cách cơ cấu quan trọng giúp cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời ưu tiên minh bạch hóa và kiểm soát nợ chính phủ.

Ngày 9-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, trong đó cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% còn 3,3%. Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 tháng IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu và cho rằng, kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.

Tin cùng chuyên mục