Triển khai hàng loạt các biện pháp kiềm chế lạm phát

Triển khai hàng loạt các biện pháp kiềm chế lạm phát

Ngày 3-3, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã ký công văn hỏa tốc gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư để huy động đủ vốn đáp ứng cho yêu cầu tăng trưởng; đồng thời, phải đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công; xem xét lại những công trình, dự án đọng vốn quá lâu, thiết kế ban đầu không còn phù hợp nữa hoặc công trình đầu tư kém hiệu quả; đình hoãn hoặc dãn những công trình chưa thật cần thiết.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, chủ động và linh hoạt; điều hành chính sách tài khóa theo hướng thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, hạn chế bội chi ngân sách, đi đôi với triển khai thực hiện tốt chính sách tiền lương, chính sách đầu tư, chính sách xuất nhập khẩu... bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau để đạt hiệu quả cao nhất.

Triển khai hàng loạt các biện pháp kiềm chế lạm phát ảnh 1

Sẽ có nhiều giải pháp tài chính điều chỉnh sự phát triển của thị trường bất động sản. Ảnh: Dự án căn hộ cao cấp Sài Gòn Pearl ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Ngân hàng Nhà nước được giao công bố và thực hiện việc hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại để bảo đảm khả năng thanh toán; đồng thời, xem xét việc tăng dự trữ bắt buộc, tiếp tục áp dụng biện pháp mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc đã công bố, bảo đảm phù hợp với tình hình diễn biến tiền tệ và khả năng chịu đựng của các tổ chức tín dụng.

Thực hiện chính sách lãi suất thực dương theo cơ chế thị trường; điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, sử dụng có hiệu quả các công cụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cơ bản, bảo đảm quan hệ hợp lý giữa các loại lãi suất trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Tài chính sớm chỉ đạo thực hiện chuyển số dư tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng thương mại hiện nay về Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm tạo điều kiện thực hiện tốt việc điều hành chính sách tiền tệ. Tiếp tục thực hiện mua ngoại tệ cho các nhà đầu tư, tính toán xem xét thứ tự ưu tiên việc mua ngoại tệ cho các đối tượng.

Nghiên cứu triển khai phát hành trái phiếu chính phủ trong nước bằng đồng tiền Việt Nam, trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ để hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, hút bớt tiền nhàn rỗi về, giảm áp lực lạm phát và tăng dự trữ quốc gia hoặc đầu tư ra nước ngoài.

Tiếp tục điều hành tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với đồng USD nói riêng và các loại ngoại tệ nói chung theo hướng căn cứ vào cung cầu trên thị trường, với biên độ dao động ± 2%. Điều hành hoạt động tín dụng ngân hàng ở mức tăng trưởng tín dụng tối đa 30% nhưng phải đáp ứng được yêu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế và khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng phải tiếp tục tạo điều kiện phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Cần áp dụng các giải pháp chống đầu cơ bất động sản thông qua việc kiểm soát tín dụng, chính sách thuế, kết hợp với những biện pháp hành chính cần thiết.

Đối với các dự án tốt, đầu tư đúng và lành mạnh, ngân hàng tiếp tục cho vay, nếu phát hiện có biểu hiện găm giữ, đầu cơ, mua đi bán lại thì phải thu hồi vốn và kiên quyết xử lý, nhất là các doanh nghiệp nhà nước không có chức năng tham gia vào thị trường này. Đẩy mạnh tăng cung cho thị trường để giải quyết cầu về nhà ở, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp...

Ngoài ra, sớm hoàn thiện Đề án ổn định và phát triển bền vững, tăng trưởng thị trường chứng khoán. Thực hiện các biện pháp để khôi phục, phát triển thị trường, không để thị trường đi xuống. Tạo điều kiện tăng cung hàng hóa, không hạn chế các công ty tham gia công bố và niêm yết trên sàn giao dịch.

Có tiến trình cổ phần hóa và IPO các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tổng công ty và các doanh nghiệp lớn; không nên chỉ lấy việc bán cổ phiếu với giá cao nhất làm chuẩn để IPO. Tiếp tục triển khai Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN về kiểm soát cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán; cần tuyên truyền rõ nội dung của quyết định, để tránh tạo yếu tố tâm lý cho rằng Nhà nước chủ trương thu hẹp thị trường.

Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ khả năng cho phép thành lập chi nhánh, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam để quản lý các quỹ đầu tư huy động vốn nước ngoài, nhằm thu hút có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường tính công khai minh bạch và quản lý tốt hơn hoạt động này, không để các Văn phòng đại diện thực hiện hoạt động kinh doanh trái với quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng giao nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ khả năng cho phép Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước có thể mua vào một số cổ phiếu loại tốt, có hiệu quả và có tính thanh khoản cao trong những trường hợp cần thiết. Trước mắt trong điều kiện hiện nay, để tập trung thu hút nguồn ngoại tệ đang có ở trong nước, tạm thời chưa phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài. Tập trung khai thác và mở rộng thị trường xuất khẩu, phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm trên 25%…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia để tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng trong điều phối hoạt động thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), giúp Thủ tướng giám sát chung thị trường tài chính quốc gia. Ủy ban này được yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính cung cấp định kỳ và đột xuất các thông tin về tài chính-ngân hàng. 

PHAN PHƯƠNG 

Sẽ rà soát các dự án lớn có sử dụng ngân sách nhà nước

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2008, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng là để bảo đảm kiềm chế tăng giá, Chính phủ sẽ rà soát lại chi ngân sách quốc gia để tiết kiệm công quỹ. Các công trình kém hiệu quả sẽ được xem xét lại đầu tư. Đó được coi là một giải pháp để góp phần kiềm chế lạm phát hiện nay của Chính phủ.

Nói rõ thêm về vấn đề này, hôm qua, 4-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Văn Trọng Lý, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, yêu cầu rà soát lại các công trình có vốn đầu tư của nhà nước, kể cả không phải là vốn của nhà nước để đánh giá hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là việc thường xuyên mà Chính phủ chỉ đạo làm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ coi đó là một trong những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. “Hiện Chính phủ đang giao các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát tổng thể lại các công trình, dự án với tinh thần nơi nào đầu tư hiệu quả thì sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, để đánh giá được hiệu quả đầu tư của các công trình thì đòi hỏi phải có thời gian, phải xem xét kỹ về hiệu quả đầu tư mới có thể đưa ra kết luận được”, ông Văn Trọng Lý nói. Cũng theo ông Lý, để rà soát hiệu quả các công trình, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc. Công trình nào thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương nào thì bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm đánh giá. “Không phải công trình nào cũng cần đến Thủ tướng chỉ đạo”, ông Văn Trọng Lý cho hay.


Quỹ Tiền tệ quốc tế: Nên tập trung những dự án có hiệu quả cao

Ngày 3-3, trong buổi tiếp kiến với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Benedict Bingham cũng đã có nhiều kiến nghị về chính sách điều hành nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trước mắt và lâu dài. Theo IMF, kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng trưởng “nóng” mà biểu hiện là lạm phát và nhập siêu cao. Trong bối cảnh hiện nay, không thể giảm thâm hụt ngân sách, lạm phát nhanh chóng trong thời gian ngắn. Vì vậy, IMF khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam cần rà soát lại những dự án đầu tư trong thời gian qua, nên tập trung cho những dự án đảm bảo hiệu quả cao thay vì đầu tư đồng loạt và dàn trải như trong thời gian qua. Việc có quá nhiều ngân hàng nhỏ xuất hiện, các tập đoàn kinh tế nhà nước mở rộng các loại hình kinh doanh trong thời gian qua thay vì tập trung vào chuyên môn chính đã tác động không tốt tới thị trường tài chính trong nước và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh”, IMF kiến nghị. Tuy tán thành chính sách thắt chặt tài chính và lãi suất của Việt Nam trong thời gian qua và cho đó là một giải pháp đúng đắn kịp thời để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nhưng ông Benedict cũng cho rằng, Việt Nam nên rà soát lại các dự án đầu tư lớn sử dụng vốn nhà nước, sử dụng nhiều công cụ để điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô thay vì đặt trọng tâm giảm lượng vốn thanh khoản trong hệ thống của NHNN.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên chỉ sử dụng nguồn vốn nhà nước cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ những vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn.


Kiểm tra việc thực hiện chính sách, kế hoạch trên 12 lĩnh vực

Chính phủ đã lên kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch năm 2008. Việc kiểm tra được thực hiện trên 12 lĩnh vực gồm: Quốc phòng-an ninh; cải cách hành chính; nội vụ; pháp luật và tư pháp; xây dựng; giao thông vận tải; thương mại, công nghiệp; tài chính; văn hóa, thể thao, du lịch; nông nghiệp và nông thôn; tài nguyên và môi trường và kế hoạch, đầu tư.

Cụ thể, ngay trong quý 1-2008, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ: Tài chính, KH-ĐT kiểm tra việc thực hiện giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL. Trong quý 2-2008, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan kiểm tra công tác thực hiện Nghị quyết số 06/2004/NQ-CP về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản và Chỉ thị số 11/2007/CT-TTg về triển khai thi hành Luật Kinh doanh bất động sản. Trong quý 3-2008, các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra công tác bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê; công tác quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; việc hỗ trợ, cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan liên quan sẽ kiểm tra việc thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010; Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020...

Q.PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục