Trước tình trạng đồng USD tăng giá - Phải đa dạng hóa thị trường ngoại tệ

Tỷ giá USD không thống nhất
Trước tình trạng đồng USD tăng giá - Phải đa dạng hóa thị trường ngoại tệ

Việc Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đồng USD trong những ngày qua đã tác động khá toàn diện đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường.

Tỷ giá USD không thống nhất

Trên thực tế, việc điều chỉnh tỷ giá trong những ngày vừa qua còn nhiều điều đáng bàn. Nguyên nhân chính là việc niêm yết tỷ giá giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại không có  sự thống nhất.

Trước tình trạng đồng USD tăng giá - Phải đa dạng hóa thị trường ngoại tệ ảnh 1

Từ nguồn gỗ nhập khẩu, Xí nghiệp 1 (Sadaco) sản xuất bàn, ghế, tủ , giường xuất khẩu qua Australia, New Zealand.
Ảnh: ĐỨC THÀNH

Theo phản ánh của ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Sadaco, ngày 12-6, Ngân hàng Nhà nước VN công bố giảm tỷ giá bình quân liên ngân hàng xuống còn 16.458đ/USD nhưng các ngân hàng thương mại vẫn không chịu bán USD theo tỷ giá đã công bố cho các DN có nhu cầu, chỉ bán với giá thực tế 17.500-17.600đ/USD.

Trong khi đó, DN xuất khẩu hàng thu ngoại tệ, bán lại cho ngân hàng theo tỷ giá đã công bố. Với mức giá nêu trên, mỗi USD, DN chịu thiệt gần 1.000đ/USD. Đây là điều bất hợp lý mà rất nhiều DN đang phải gánh chịu.

Tổng giám đốc một tổng công ty khác cũng cho rằng, việc điều chính tỷ giá của nhà nước đi từ thái cực này sang thái cực kia quá nhanh sẽ đẩy các DN, đặc biệt các DN xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu, ngoài sự chênh lệch giữa 2 tỷ giá nêu trên, có khá nhiều DN nhập khẩu hàng hóa đã niêm yết giá bán quy đổi theo giá USD trên thị trường “chợ đen”.

Thực tế này cho thấy, việc quy đổi USD thành tiền đồng VN và ngược lại đang được áp dụng theo 3 mức giá khác nhau: giá niêm yết của Nhà nước, giá của ngân hàng thương mại và giá “chợ đen”.

Trong số đó, giá quy đổi theo thị trường “chợ đen” đang được áp dụng khá phổ biến đối với nhóm mặt hàng điện tử và điện gia dụng, gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng nhưng vấn đề này đến nay vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Cụ thể, ngày 16-6, tỷ giá niêm yết là 16.620đ/USD, nhưng giá bán các mặt hàng vi tính tại các cửa hàng khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 vẫn được tính theo giá chợ đen lên tới 18.050-18.100đ/USD. Như vậy, cứ 1 USD, người dân đang phải chịu lỗ tới gần 2.000đ so với tỷ giá của nhà nước quy định!

Phải đa dạng hóa ngoại tệ

Mặc dù tỷ giá của đồng USD đã được điều chỉnh tăng trong những ngày qua tại VN nhưng so với những đồng tiền khác trên thế giới, USD đang bị mất giá càng lớn. So với đồng euro, đồng USD hiện chỉ còn 2/3; bằng 1/2 so với đồng bảng Anh; với các đồng tiền khác mất 25% và mất khoảng 13% so với 19 đồng tiền của các nước mà quan hệ buôn bán chiếm tới 86% tổng giá trị xuất nhập khẩu của VN.

Trước thực trạng trên, để giảm mức độ rủi ro cho các DN xuất nhập khẩu, tại nhiều cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã yêu cầu các DN cần phải đa dạng hóa ngoại tệ. Việc đa đạng hóa cũng cần được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực dự trữ quốc gia cũng như những người có ngoại tệ và có nhu cầu nắm giữ ngoại tệ như một hình thức đầu tư,...

Theo thứ trưởng, việc xuất khẩu hiện nay cần tập trung cao hơn đối với những thị trường có sử dụng các đồng ngoại tệ có liên quan đến các đồng tiền đang lên giá so với USD như đồng CAD (đô la Canada), AUD (đô la Australia), euro, bảng Anh, yên Nhật và kể cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc…

Các DN không nên tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ như hiện nay. Làm được việc này, các DN không chỉ có lợi mà còn phòng ngừa được rủi ro về tỷ giá, tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ” khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường hiện chiếm tới gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN trong năm 2007.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, Mỹ vẫn đang đứng trước các nguy cơ suy thoái về kinh tế và lạm phát. Và nguy cơ lạm phát sẽ làm đồng USD tiếp tục bị sụt giảm so với các đồng tiền khác. Đây là vấn đề các DN cần phải cân nhắc.

 Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN:
Pháp lệnh về ngoại hối chưa phát huy tác dụng

Việc sử dụng ngoại tệ đã được quy định khá rõ trong Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005. Pháp lệnh này cũng quy định khá rõ về đối tượng nào mới được phép sử dụng ngoại tệ, trong trường hợp nào. Nhưng trước hiện tượng USD hóa tại VN và việc thanh toán theo tỷ giá niêm yết của các ngân hàng đối với các DN trong thời gian vừa qua, một lần nữa cho thấy chúng ta chưa tôn trọng pháp luật. Trường hợp tỷ giá biến động theo nhiều chiều hướng và như thực tế đang diễn ra cũng đã chứng minh mức độ, khả năng can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực này kém hiệu quả. Từ đây có quá nhiều việc phải làm cho các cơ quan chức năng;… Phải giải được những bài toán này thì mới có thể đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Thúy Hải
Báo 12 giờ

Tin cùng chuyên mục