Tiêu thụ cá tra, cá ba sa ĐBSCL: Chưa trị đúng bệnh

Tiêu thụ cá tra, cá ba sa ĐBSCL: Chưa trị đúng bệnh

Sau hơn 2 tuần Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ cá tra, cá ba sa tồn đọng ở ĐBSCL (ngày 1-6), đến nay tình hình tiêu thụ cá tra tồn đọng vẫn chưa sáng sủa. Nguyên nhân chủ yếu do “bắt mạch trật lất, dẫn theo kê toa thuốc không hiệu quả” – ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ cho biết vào chiều ngày 17-6.

“Chuyển” nhưng còn “chậm chạp...”!?

Tiêu thụ cá tra, cá ba sa ĐBSCL: Chưa trị đúng bệnh ảnh 1

Nông dân ĐBSCL mòn mỏi chờ vốn để mua thức ăn cho cá. Ảnh: Cao Phong

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) tại An Giang đã tăng tiến độ thu mua cá tra lên 20% - 30% so với trước đây. Số lượng các DN lớn tại An Giang như Nam Việt, Cửu Long, Agifish… mua 1.800 – 2.000 tấn/ngày.

Tuy nhiên, số lượng này cũng chẳng thấm vào đâu vì các DN còn lại ở các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa quyết liệt vào cuộc. “Tình hình hiện nay vẫn phức tạp. Các DN ở An Giang phải choàng gánh mua cá qua địa bàn Cần Thơ, Đồng Tháp nên số lượng bị phân tán…” – ông Phan Văn Danh – Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết. Song, An Giang đang có những giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ mua cá tồn đọng. Cụ thể ngày 16-6, UBND tỉnh An Giang lập 3 đoàn kiểm tra gồm Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Hiệp hội AFA, Ngân hàng Nhà nước, Cục Thống kê kiểm tra DN sử dụng nguồn vốn vay – việc này duy trì hàng ngày trong thời gian tới. Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT An Giang đã giải ngân 80% trên tổng số 200 tỷ đồng cho DN và nông dân nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Thạnh – Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Công ty cổ phần Nam Việt đã ký hợp đồng mua cá quá lứa của 204 hộ dân với sản lượng 27.136 tấn, giá 13.800 đồng/kg nhưng hiện tại DN vẫn chưa mua và chưa hẹn thời gian bắt! Ngoài ra, DN cũng không cung cấp được danh sách ký hợp đồng thu mua cá hàng ngày mà hẹn tuần sau gửi danh sách mua cá. Không chỉ vậy, DN Nam Việt chỉ ứng cho các hộ dân 20% tiền sau khi bắt cá tra, 1 tháng sau mới trả hết số tiền trong hợp đồng. Ngày 17-6, vẫn còn một số nông dân chờ đăng ký bán cá tại Nam Việt.

Bao giờ “chẩn và trị đúng bệnh”?

“Ngoài một số DN ở An Giang tăng thêm số lượng mua cá, các tỉnh còn lại vẫn mua cá tra tồn đọng chậm chạp, chưa có gì đột phá” – ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ nhận định. Và giá cá tra vẫn nằm yên ở mức 13.800 đồng – 14.200 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu “bệnh một đường, trị một nẻo”. Là do Hiệp hội Thủy sản chỉ nắm thông tin và phản ánh ý kiến DN kêu thiếu vốn! Nhưng nguyên nhân DN đưa ra thiếu vốn mua cá không phải là nguyên nhân căn cơ giải quyết tình trạng cá tra tồn đọng hiện nay. Người nuôi cá mới thật sự là người cần vốn. “Nhiều DN ngưng bán chịu thức ăn, ngân hàng khóa sổ cho vay, nông dân đang lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, nhiều hầm cá rơi vào cảnh ốm đói” – ông Trí bức xúc nói.

Trong khi đó, nhiều DN đã từ chối vay từ nguồn vốn 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng NN-PTNT. Nguyên nhân chủ yếu lãi suất cao; thủ tục khó khăn… Ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), giải thích: “Mức lãi suất từ Ngân hàng NN-PTNT đưa ra (1,67%/tháng) cao hơn so với lãi suất DN vay hiện tại (1,5%/tháng). DN nào cũng phải “liệu cơm, gắp mắm”, không thể nhận nguồn vốn với lãi suất quá cao mua cá tồn trữ. Vả lại, 10 tỷ đồng vốn được phân bổ theo kế hoạch, cũng không thấm vào đâu so với công suất 150 tấn sản phẩm/ngày như hiện nay của Caseamex”.

Giá cá tra phi lê của Việt Nam xuất khẩu có lúc đạt mức 4 - 6 USD/kg (thậm chí tại thị trường Ai Cập đạt 10 USD/kg nhưng nay chỉ còn 6 USD/kg) và mức hiện tại là 2,7 USD/kg. Theo những người am hiểu về lĩnh vực xuất khẩu cá tra, cá ba sa, từ lâu đã có những DN “chuyên” bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. “Nguyên nhân sâu xa là do cách làm ăn tự phát, từ nông dân đến DN đều mạnh ai nấy làm. Con cá tra ĐBSCL đã đạt ngưỡng xuất khẩu tỷ đô nhưng đến nay vẫn chưa có một “nhạc trưởng” đích thực, đủ quyền lực để điều hành từ ao nuôi đến đầu ra” – ông Bùi Hữu Trí – Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ nhận định. Ông Trí mong muốn, Chính phủ sớm quy hoạch và nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách để cứu con cá tra, cá ba sa ĐBSCL đã và đang phá sản!

Ông Võ Đông Đức, Giám đốc Caseamex: Bơm vốn lầm đối tượng
Việc “bơm” vốn cho các DN từ ngân hàng ví như chưa “chẩn đúng bệnh” của thị trường cá tra nguyên liệu. Bởi khó khăn về vốn hiện nay là người nuôi cá, không phải DN. Bơm vốn cho nông dân để đầu tư vào thức ăn, thuốc thú y... hạn chế mức thiệt hại nặng từ cơn khủng hoảng này mới là giải pháp cấp bách cần thiết.

CAO PHONG – ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục