Giá xi măng giảm mạnh, thép đột ngột tăng

Theo các chủ đầu tư công trình và cửa hàng vật liệu xây dựng, trong 2 ngày đầu tuần này giá xi măng các loại tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, giá 2 loại xi măng được thị trường TPHCM ưa chuộng nhất là Hà Tiên 1, Holcim bán lẻ tại cửa hàng vật liệu là 72.000 đồng/bao, giao trực tiếp với khối lượng lớn tại công trình đang xây dựng chỉ 70.000 đồng/bao, mức giảm bình quân 2.000 - 5.000 đồng/bao, tùy khu vực.

Đối với các loại xi măng khác như Hoàng Mai, Hoàng Thạch, Cẩm Phả… giá bán thấp hơn 2 loại xi măng trên 2.000 - 3.000 đồng/bao. Phòng thị trường Xí nghiệp Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, hiện giá giao trực tiếp cho nhà phân phối cấp 1 là 60.000 đồng/bao. Riêng giá cam kết bắt buộc từ nhà phân phối đến đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng không quá 72.000 đồng/bao.

* Tuần qua, người dân chưa kịp mừng khi giá thép giảm xuống ở mức 16 - 16,2 triệu đồng/tấn thì 2 ngày qua lại “chưng hửng” khi giá nhảy vọt, tăng 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Các nhà phân phối cho biết, cách đây 2 ngày, nhiều công ty như Thép Vina Kyoei, Pomina, Thép miền Nam đồng loạt công bố tăng giá bán. Cụ thể, giá thép bán lẻ của Thép Vina Kyoei và Pomina ở mức 17,5 - 17,7 triệu đồng/tấn, Thép miền Nam 16,8 - 17 triệu đồng/tấn… giao tại nhà phân phối. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán là do bị ảnh hưởng của tỷ giá đồng USD tăng cao trên thị trường tự do. Hơn nữa, trước đây giá phôi nhập khẩu chỉ dưới 1.000 USD/tấn, nhưng hiện nay các công ty thép đang phải nhập phôi với giá 1.140 - 1.149 USD/tấn. Do đó, buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán nếu không sẽ bị lỗ.

Cách đây không lâu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phôi và thép về đến các cảng biển đã buộc phải tái xuất hàng trăm ngàn tấn vì thiếu tiền thông quan và không tìm được đầu ra. Chỉ riêng cuối tháng 5, một số công ty như Thép Đình Vũ, Vạn Lợi, Hưng Yên... đã ký hợp đồng tái xuất gần 60.000 tấn phôi thép sang Thái Lan, Malaysia, Philippines… với mức giá khoảng 900 USD/tấn (đã cộng lệ phí xuất khẩu 2%, cước vận chuyển 25 USD…). Qua đầu tháng 6, Công ty Nam Tiến đã tái xuất 20.000 tấn, Công ty Thép Cửu Long tái xuất 20.000 tấn, Công ty Nguyễn Minh tái xuất 25.000 tấn, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Thiên Phú tái xuất 10.000 tấn… Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương sớm xem xét cơ chế hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp không phải tái xuất số sắt thép này nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng trong thời gian tới.

Sau phiên giảm giá khá sâu vào đầu tuần, ngày 17-6, giá vàng thế giới đã tăng trở lại mức 885 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so với mức giá cuối tuần trước (15-6). Tại TPHCM, giá vàng SJC vào chiều qua (17-6) cũng tăng vọt, trở lại mức 18,54 triệu đồng/lượng (mua vào) và 18,64 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 40.000 đồng/lượng so với mức giá đầu ngày và tăng 90.000 đồng/lượng so với mức giá chốt cuối ngày 16-6.

L. PHONG - L.M.THI

Tin cùng chuyên mục