Xuất khẩu giày dép: Tăng cạnh tranh bằng đổi mới quản lý

*Châu Âu thông báo mặt hàng giày dép nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam, không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ 1-1-2009*Lợi thế cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam bị suy giảm*Các doanh nghiệp nhanh chóng tái cấu trúc lại sản xuất, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với tình hình mới
Xuất khẩu giày dép: Tăng cạnh tranh bằng đổi mới quản lý

*Châu Âu thông báo mặt hàng giày dép nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam, không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ 1-1-2009
*Lợi thế cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam bị suy giảm
*Các doanh nghiệp nhanh chóng tái cấu trúc lại sản xuất, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với tình hình mới

Cả triệu công nhân có thể bị ảnh hưởng

Xuất khẩu giày dép: Tăng cạnh tranh bằng đổi mới quản lý ảnh 1
Sản xuất giày xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, mặc dù hiệp hội và các cơ quan của chính phủ đã nỗ lực làm việc với phía Liên minh châu Âu (EU) về việc có thể bãi bỏ ưu đãi thuế quan phổ cập, nhưng kết quả không thành.

Lý do EU đưa ra là: sản lượng giày dép của Việt Nam vào thị trường này đã vượt quá 15% tổng số ngành hàng tương tự của tất cả các nước được hưởng GSP. Điều đó có nghĩa, EU khẳng định sản phẩm giày dép xuất khẩu của Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng đây là một “đòn” đánh bồi thêm vào các DN ngành da giày, vốn đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua vì mức thuế chống bán phá giá đã áp đặt đối với mặt hàng này và trong tình trạng nhu cầu thị trường giảm, chi phí tăng cao nhưng đơn giá gia công không tăng, dẫn đến thu nhập của người công nhân thấp.

Việc bãi bỏ ưu đãi thuế quan phổ cập, chắc chắn làm tăng chi phí giá thành bán hàng đối với các nhà nhập khẩu, nên giảm lợi thế cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam.

Những năm trước đây, ngành da giày VN khi xuất vào thị trường châu Âu được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập là 3,5%, mức thuế thấp dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt cho những nước nghèo. Điều này đã giúp cho các VN thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển ngành giày dép xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm phổ thông cho người dân.

Một nhà sản xuất đang gia công mặt hàng giày Adidas nói với chúng tôi, việc tiếp cận các nguồn vốn hiện rất khó khăn và chi phí vốn tăng cao, do đó với việc không được hưởng GSP vào thị trường EU sẽ làm các DN thêm khó khăn. Hiện nay DN vay USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu về sản xuất hay đầu tư đều khó khăn, vay và đổi tiền để trả lương cho công nhân cũng phức tạp, trong khi thu nhập của công nhân không cao, nên không thể chậm một ngày lương đối với họ.

Nguyên nhân chính là có đến hơn 80% sản lượng các đơn hàng là làm gia công, vì thế các khách hàng sẽ phải tính toán khả năng trong tương lai nên đưa các đơn hàng gia công ở đâu có chi phí thấp hơn. Như vậy, không loại trừ khả năng sẽ có sự chuyển dịch đơn hàng sang các nước lân cận, điều đó cũng có nghĩa cả triệu công nhân có thể bị ảnh hưởng vì chính sách này.

Tái cấu trúc lại bộ máy sản xuất

Mặc dù tình hình khá khó khăn, nhưng theo ông Nguyễn Đức Thuấn, nếu biết cách điều chỉnh, thì ngành da giày chưa phải đã quá bi đát.

Đứng trên quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết, việc các khách hàng chuyển đơn hàng sang các nước khác cũng không phải dễ dàng. Trước hết, năng lực sản xuất của các nước chưa thể mở rộng nhanh để tiếp nhận đơn hàng, nếu có chuyển chuyển đơn hàng đến ồ ạt. Kế đến, những nước đó phải là nước có sự cạnh tranh cao hơn Việt Nam, chi phí phải thấp hơn, nếu nhìn quanh chỉ còn hai nước Bangladesh và Indonesia. Trung Quốc là một đối thủ lớn về ngành da giày, nhưng hiện nay một phần họ đã chủ động được nguyên liệu, mẫu mã nên với đơn hàng gia công thì chi phí của họ rất cao, do vậy cũng không đáng lo.

Thêm vào đó, kể từ khi phía EU áp thuế bán phá giá mũ giày vải đối với VN, nhiều DN đã chuyển hướng thị trường, tìm kiếm khách hàng và thị trường mới. Đáng lưu ý, thị trường Hoa Kỳ hứa hẹn là một thị trường tiềm năng lớn nhất đã được các DN VN tập trung khai thác, đến nay kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đã chiếm 30%-35% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép xuất khẩu.

Đáp ứng tốt những điều này, các DN còn chủ động góp phần vào ứng phó với vụ kiện báo phá giá của EU vào cuối năm nay (tháng 10-2008) mà hiệp hội đang tiến hành thương thảo. 

Vấn đề hiện nay chính là các DN cần phải nhanh chóng tái cấu trúc lại bộ máy sản xuất, tăng chuyên môn hóa để nâng cao năng suất, tiết kiệm tối đa chi phí để giảm chi phí giá thành, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan chức năng cũng nhanh chóng ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ ngành giày dép xuất khẩu như đầu tư sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, đồ trang trí; hình thành trung tâm nguyên phụ liệu và thiết kế mẫu để chào hàng các bộ sưu tập trong nước cho các hãng giày dép có thương hiệu ở nước ngoài. 

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục