Làng hoa, cây kiểng và cá cảnh Củ Chi : Những phác thảo ấn tượng

Làng hoa, cây kiểng và cá cảnh Củ Chi : Những phác thảo ấn tượng
Làng hoa, cây kiểng và cá cảnh Củ Chi : Những phác thảo ấn tượng ảnh 1
Đường vào làng sinh vật cảnh Củ Chi. Ảnh: Đ.C.P.

Hai xã Phú Hòa Đông và Trung An thuộc huyện Củ Chi là vùng trũng, nhiễm phèn nặng, nhiều diện tích bị hoang hóa. Trong một cuộc họp vào cuối năm 2005, lãnh đạo TPHCM, huyện Củ Chi và ban ngành đã nhất trí chủ trương xây dựng làng nghề hoa lan, cây kiểng, cá cảnh (sinh vật cảnh) kết hợp du lịch sinh thái tại đây.

Dự án xây dựng làng nghề sinh vật cảnh do Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hà Quang ra đời với mục đích tạo ra nhiều mô hình đa dạng như  trồng hoa lan, cây kiểng và nuôi cá cảnh kết hợp với cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái.

Lúc đó, TP đề nghị HTX Hà Quang xây dựng hoàn chỉnh 30 ha được duyệt, sớm đi vào hoạt động để trở thành nơi cung cấp cây con giống, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, thúc đẩy làng nghề phát triển và nếu phù hợp có thể phát triển lên 110 ha hay 500 ha (HTX Hà Quang thực hiện giai đoạn 1 là 30 ha, giai đoạn 2 thêm 80 ha).

Với chủ trương này, HTX Hà Quang triển khai mô hình thí điểm làng nghề quy mô ban đầu 30 ha, trong đó đưa vào sản xuất thử hơn 5 ha trồng hoa, kiểng, các loại cây trang trí khác và đồng thời nuôi cá cảnh. Ngày 19-1 vừa qua, HTX sơ kết mô hình sau 3 năm triển khai.

Theo đó, tổng vốn đầu tư là 20 tỷ đồng (vườn lan: 2 tỷ đồng, ao cá chép Nhật, cá hô: 800 triệu đồng, hồ cá dĩa: 500 triệu đồng, cây kiểng các loại: 3 tỷ đồng, còn lại là đền bù và làm hạ tầng: đường, điện, nước…). Hiện nay, đã hình thành một phần đường nội bộ trong khuôn viên làng nghề trong phần diện tích 5 ha. Giờ đây, khu vực này đã có sản phẩm hàng hóa tham gia thị trường, chủ yếu là hoa lan, cá cảnh (cá chép Nhật, cá dĩa…), cây kiểng.

HTX xây dựng 8 vườn lan (20.000 cây), xuất bán bình quân 12.000 cành/tháng, lợi nhuận 36 triệu đồng/năm. Đầu năm 2005, HTX thông qua Hội Cá cảnh TP nhập về hơn 10 loài cá cảnh từ Thái Lan, Singapore, Malaysia; trong đó cá chép Nhật với 100 con bố mẹ (chia thành 2 loại) nhập về năm 2006. Qua lai tạo, sinh sản, đàn cá hiện có khoảng 13.000 con, đàn cá giống 3.000 con, HTX bán cho hộ xã viên và thị trường nội địa khoảng 12.500 con, doanh thu 784 triệu đồng, lợi nhuận 347 triệu đồng/năm.

Tại Lễ hội sinh vật cảnh lần thứ 3, cá chép Nhật của làng nghề đã đoạt giải nhất và khu trưng bày của HTX đoạt đồng giải nhất về gian hàng thiết kế đẹp. Với cây kiểng, tạo được nhiều nhóm sản phẩm như cây tạo cảnh, thư quán cây cảnh, cây tạo hình, cây kiểng thú, bonsai… thu hút một số nghệ nhân các tỉnh về đây.

Ngoài ra, HTX phát triển thêm cây Hồng Lộc, rất có triển vọng và hiệu quả kinh tế. Giống Hồng Lộc nhập trong khu vực Đông Nam Á, trồng được 60.000 cành, tiêu thụ 35.000 cây, giá bán 60.000 đồng/cây. Lợi nhuận thu được 875 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hiện có 50 xã viên nuôi cá dĩa, cá phướng; 50 xã viên trồng mai vàng (dạng bonsai), 10 hộ xã viên trồng lan cắt cành là những hộ nòng cốt ban đầu.

Có thể nói, về mặt kỹ thuật, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khu vực này đã được khẳng định là phù hợp và mang lại hiệu quả qua lượng hàng hóa như lan cắt cành Mokara, các loại cây kiểng, cá cảnh tham gia thị trường ngày càng nhiều. Đây là cơ sở để từng bước mở rộng thành 30 ha trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều băn khoăn hiện nay của các xã viên chính là vấn đề quy hoạch.

Làng hoa, cây kiểng và cá cảnh Củ Chi : Những phác thảo ấn tượng ảnh 2
Hoa vạn thọ tại làng hoa kiểng Củ Chi phục vụ tết. Ảnh: D.P.

Phát biểu tại buổi sơ kết, ông Trương Hoàng, Phó ban Chỉ đạo phát triển nông thôn TPHCM cho rằng, mô hình thử nghiệm tạo ấn tượng cho những người đến đây tham quan, nhưng theo ông, đây mới là phác thảo ban đầu về một mô hình làng nghề sinh vật cảnh trong tương lai.

Từ năm 2004, TP chủ trương xây dựng 2 làng nghề sinh vật cảnh, một ở Củ Chi (khoảng 500 ha) và một ở huyện Bình Chánh (500 ha) nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh về nền nông nghiệp đô thị sinh thái kết hợp du lịch. Vì vậy, giai đoạn mô hình này kéo dài gần 5 năm là chậm.

Dù khó khăn, mắc mứu như thế nào cũng phải tìm mọi cách tháo gỡ, để mô hình này phát triển, làm sao để năm 2010 nơi đây trở thành làng nghề sinh vật cảnh thực thụ. Ông Trương Hoàng cho rằng, 3 vấn đề cần luôn được tuân thủ trong hoạt động HTX, đó là dân chủ, minh bạch và tăng cường vai trò giám sát để kiện toàn bộ máy.

Theo Liên minh HTX TP, mô hình này hoàn toàn mới, dự án kéo dài với nhiều vướng mắc, nhưng HTX vẫn có đủ quyết tâm, nhiệt tình và sự kiên trì đeo bám để có được kết quả như ngày hôm nay. Tuy nhiên, cần phải làm rõ mô hình hơn nữa; liên kết với các HTX khác, doanh nghiệp, công ty, nhất là tại huyện… để có thể khai thác tối đa thế mạnh vùng đất này. Điều cần thiết là sớm hoàn chỉnh thủ tục pháp lý cho làng nghề.

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Tô Từ Nguyên cho rằng, ai cũng vui mừng trước sự định hình và phát triển của mô hình trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nói đến Củ Chi là nghĩ đến “đất thép thành đồng”, vì thế một khi làng nghề sinh vật cảnh 500 ha dọc theo sông Sài Gòn hình thành sẽ làm cho Củ Chi “mềm mại” hơn với những làng hoa, cây kiểng.

Bà Nguyên cho rằng, do trình tự thủ tục phải làm đúng quy định nhà nước, nên làng nghề chậm quy hoạch so với tiến độ xây dựng.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Đỗ Phượng cho rằng, từ thương hiệu chính trị “Củ Chi đất thép thành đồng” dự án này thành hình sẽ trở thành “thương hiệu sinh thái”.

Ông nhắc nhở, để mở rộng thành 500 ha, nhất thiết phải có sự tham gia của nhà khoa học để xác định cây bản địa và cây nhập như thế nào cho phù hợp để làng nghề này phát triển theo đúng ý tưởng ban đầu.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục