Dệt may Việt Nam sắp cán đích với 9,2 tỷ USD

Với kim ngạch xuất khẩu (XK) giảm 1,5%, mức giảm thấp nhất trong số các mặt hàng XK của Việt Nam (VN) tính trong 10 tháng năm 2009, dệt may trở thành ngành hàng dẫn đầu kim ngạch XK cả nước và sẽ về đích với 9,2 tỷ USD trong năm nay, tăng trưởng 1% so với năm 2008.

Với kim ngạch xuất khẩu (XK) giảm 1,5%, mức giảm thấp nhất trong số các mặt hàng XK của Việt Nam (VN) tính trong 10 tháng năm 2009, dệt may trở thành ngành hàng dẫn đầu kim ngạch XK cả nước và sẽ về đích với 9,2 tỷ USD trong năm nay, tăng trưởng 1% so với năm 2008.

Cuối năm: đơn hàng tăng cao

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% với kim ngạch 9,5 tỷ USD đặt ra cho XK dệt may năm 2009 như ban ban đầu, nhưng XK dệt may vẫn về đích an toàn, đạt mục tiêu được điều chỉnh khi có suy giảm kinh tế thế giới (9,2 tỷ USD) tăng trưởng dương với con số khiêm tốn 1%. Và con số tăng trưởng này có thể cao hơn dự báo vì theo thông tin từ các doanh nghiệp (DN) dệt may, lượng hàng XK trong 2 tháng cuối năm nay tăng khoảng 10%-15% so với cùng thời điểm năm ngoái. Dệt may đã đạt kim ngạch XK 7,5 tỷ USD trong 10 tháng 2009 và mục tiêu đạt 1,7 tỷ USD trong 2 tháng còn lại (tương đương 850 triệu USD/tháng) là việc nằm trong khả năng.

Điều này được các DN lý giải, ở thời điểm đầu năm các nhà nhập khẩu (NK) giảm đơn hàng, khi thị trường tiêu thụ tại các nước khởi sắc hơn thì lượng hàng dự trữ không đủ. Hiện các nhà NK phải đặt nhiều đơn hàng gấp mới đủ cung ứng cho thị trường cuối năm. Hiện nay, nhiều khách NK lớn, thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ đã tăng đơn hàng và đã có kế hoạch cho năm 2010.

Các nhà NK dự báo, lượng hàng đặt cho năm 2010 sẽ tăng khoảng 20%-25% so với năm 2009. Theo thông tin từ một số DN, giá bán thời điểm hiện nay cũng tăng khoảng 10% so với đầu năm. Các nhà NK nhận thấy khó khăn này và cũng sẵn sàng giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ với nhà sản xuất. Việc tăng giá bán là điều phải đàm phán trong thời điểm hiện nay và sắp tới vì lương tối thiểu cho lao động sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 20% trong đầu năm tới. Ngoài ra, các chi phí vận chuyển, sản xuất vẫn đang trên đà tăng, chưa giảm.

Theo số liệu từ các nước, duy nhất chỉ Bangladesh có tăng trưởng dương XK dệt may vào Mỹ năm 2009, còn lại các thị trường XK khác đều có giảm sút 2 con số.

Tuy XK dệt may ở hầu hết các nước đều gặp khó khăn lớn nhưng với VN, mức giảm XK vào các thị trường truyền thống, chủ lực như Mỹ, EU vẫn ở mức thấp so với các nước. Bù lại, ở những thị trường mới, tăng trưởng XK dệt may VN đạt mức khá cao. Có những thị trường như Hàn Quốc, mức tăng trưởng trong 10 tháng tăng đến 50% so với 2008. Hiện nay, với thị trường Mỹ - chiếm 55% thị phần XK dệt may VN, mức giảm ở khoảng 4, 5%. Thị trường EU- chiếm gần 20% cũng chỉ giảm ở mức 3,7%. Trong khi đó, dù NK hàng dệt may vào Nhật trong năm nay giảm đến 20% nhưng hàng dệt may VN XK vào Nhật có tăng trưởng 17%. Điều này có tác động rất lớn từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ ngày 1-12-2008 và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (AJEPA) đã có hiệu lực từ ngày 1-10-2009. Hiện thị trường Nhật chiếm 10% thị phần XK hàng dệt may VN.

Năm 2010: thêm thuận lợi ở nhiều thị trường

Theo đánh giá của các chuyên gia, với những thuận lợi và ưu thế cạnh tranh hiện nay, hàng dệt may VN vẫn có nhiều cơ sở vững chắc trong bước tiến XK cho những năm tới. Điều này được nhìn thấy rõ trong xu hướng chuyển dịch sản xuất dệt may từ một số thị trường sang VN trong năm 2009. Theo thông tin từ nhà cung cấp máy móc thiết bị cho sản xuất dệt may Yuki (Nhật Bản), lượng thiết bị phục vụ cho sản xuất dệt may nhập khẩu vào VN trong những tháng đầu năm 2009 tăng đáng kể so với thời điểm cuối 2008. Có thể việc nhập khẩu này phục vụ cho sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Và điều này cũng đang tạo thêm một áp lực cạnh tranh lao động mới tại thị trường VN hiện nay.

Thiếu lao động là vấn đề căng thẳng nhất đối với DN dệt may. Thực tế hiện nay, đã có thêm nhiều DN dệt may nước ngoài mở ở các tỉnh. Tình trạng “hút” lao động đang diễn ra. Một DN dệt may ở Đà Nẵng cho biết, trong năm 2009 DN này đã “mất” 1 xưởng may, khoảng 400 -500 lao động vì công nhân chuyển sang làm việc ở DN nước ngoài gần đó! Tại quận Tân Phú (TPHCM), một số DN nước ngoài mới mở xưởng sản xuất, đưa thông tin tuyển dụng lao động dệt may rất hấp dẫn, với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có nhiều trợ cấp, hỗ trợ thêm tiền nhà, nuôi con nhỏ… Họ sẵn sàng chịu lỗ lúc đầu để thu hút lao động!

Ngành dệt may VN đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch 10,5 tỷ USD trong năm 2010, tốc độ tăng trưởng đạt được khá hơn.

Ngoài những thuận lợi chắc chắn ở thị trường lớn thứ 3 của dệt may là Nhật, dệt may VN sẽ có thêm nhiều thuận lợi ở thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, hàng dệt may VN sẽ có cơ hội vươn xa hơn, thậm nhập vào thị trường Nam Mỹ với khoảng 600 triệu dân, khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Chilê đang được 2 nước đàm phán và nhiều khả năng sẽ chính thức được áp dụng trong năm 2010.

MỸ HẠNH

 

Tin cùng chuyên mục