Cổ phiếu bị kiểm soát, vì sao?

Cổ phiếu bị kiểm soát, vì sao?

10 ngày sau Tết Nguyên đán, TTCK đã giảm điểm 7 trong 9 phiên mở cửa do các báo cáo tài chính quý 4-2008 của hàng trăm doanh nghiệp công bố đều giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý là việc HOSE đưa thêm cổ phiếu của 4 công ty vào diện kiểm soát kể từ 9-2, bao gồm REE của CTCP Cơ điện lạnh, VTA của CTCP Vitaly, VHG của CTCP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn và BHS của CTCP Đường Biên Hòa.

Trước đó, HOSE cũng vừa đưa TRI của CTCP Nước giải khát Sài Gòn vào diện kiểm soát sau cổ phiếu BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết và BTC của CTCP Cơ khí Bình Triệu đã bị kiểm soát dài hạn từ năm trước. Nguyên nhân theo HOSE cho biết là do kết quả sản xuất kinh doanh (KQKD) năm 2008 của những công ty trên phát sinh âm khá lớn.

Lỗ từ đầu tư tài chính

REE công bố KQKD quý 4 có doanh thu hơn 330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,5 tỷ đồng nhưng kết toán cả năm công ty thua lỗ gần 152,4 tỷ đồng dù tổng doanh thu khá lớn, đạt gần 1.170 tỷ đồng. Mức lỗ này chiếm đến 26% trên vốn đầu tư của chủ sở hữu công ty là 578,9 tỷ đồng.

Nhà đầu tư băn khoăn về giá cả thị trường chứng khoán (ảnh chụp tại Công ty Chứng khoán SSI). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhà đầu tư băn khoăn về giá cả thị trường chứng khoán
(ảnh chụp tại Công ty Chứng khoán SSI). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tìm hiểu nguyên nhân, giải trình từ phía REE cho biết, “Công ty đã tiếp tục thực hiện việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán cho các khoản đầu tư trên thị trường niêm yết và các khoản đầu tư trên thị trường không chính thức (OTC) tại thời điểm cuối quý 4 là 72,05 tỷ đồng. Tổng số trích lập dự phòng lũy kế năm 2008 lên đến 467,13 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận lũy kế năm 2008 của toàn nhóm công ty bị lỗ”.

Trong khi đó, BHS cũng có báo cáo lỗ trong quý 4 số tiền 24,78 tỷ đồng sau 3 quý trước đó đã thua lỗ gần 18,5 tỷ đồng. Tổng lỗ cả năm của công ty này chiếm đến 25,7% trên vốn cổ phần 168,47 tỷ đồng. Doanh thu quý cuối năm đạt 216,73 tỷ đồng giúp công ty nâng tổng doanh thu cả năm lên hơn 792,24 tỷ đồng nhưng KQKD lại rất kém do rủi ro chung của ngành.

Do diện tích trồng mía bị thu hẹp 38%, công ty đã buộc phải tăng giá thu mua mía nguyên liệu thêm 25% lên mức 600.000đ/tấn để khuyến khích nông dân trồng mía. Điều này làm tăng chi phí thu mua thêm 16 tỷ đồng trong khi giá bán đường tinh luyện quý 4 giảm bình quân 200đ/kg. Ngoài ra, một khoản lỗ lớn khác của công ty đến từ đầu tư tài chính khi phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán đến 7,6 tỷ đồng.

Đến doanh thu và hiệu quả kinh doanh giảm

VTA công bố KQKD quý 4 âm đến 5,82 tỷ đồng, hoàn toàn trái ngược với mức lợi nhuận 4,54 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh này đưa đến tổng lỗ lũy kế năm 2008 của công ty lên 2,82 tỷ đồng, chiếm gần 5% vốn cổ phần của Vitaly. Khác với REE và BHS, Vitaly không đầu tư tài chính nhiều và quyết định không trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán cho khoản đầu tư trị giá chỉ 3,54 tỷ đồng vì giá mua bằng mức mệnh giá.

Tuy nhiên, Vitaly lại lỗ nặng trên mảng kinh doanh chính khiến giới đầu tư lo ngại hẳn cho tình hình hoạt động năm 2009 này. Thị trường tiêu thụ gạch men giảm sút, công ty bắt buộc phải ngừng sản xuất để tránh tình trạng hàng tồn kho, giảm ứ đọng vốn. Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao khi công ty thực hiện vay vốn vào lúc thị trường lãi suất lên mức đỉnh điểm, các hợp đồng vay vốn đều ở mức 21%/năm.

Với VHG, công ty này liên tục thua lỗ trong vài quý vừa qua và mức lỗ quý 4 âm hơn 10 tỷ đồng. Tổng lũy kế sơ bộ cả năm Việt Hàn thua lỗ 17 tỷ đồng, so với lợi nhuận hơn 86 tỷ đồng của năm 2007. Doanh thu của công ty này cũng sụt giảm còn gần 290 tỷ đồng.

Trước đó, TRI công bố một báo cáo khiến giới đầu tư bị “choáng” với khoản lỗ “khủng khiếp” 145 tỷ đồng chỉ trong quý 4-2008 dù ba quý trước đó Tribeco lãi khoảng 2 tỷ đồng. Về lý thuyết, công ty này đã “có điều kiện” phá sản và giới đầu tư dao động tâm lý rất lớn.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng Tribeco đã cố tình giấu lỗ cả năm qua vì mức lỗ trên quá lớn khi doanh thu cả năm lại tăng vọt 34% so với năm trước (601 tỷ đồng so với 397 tỷ đồng). Công ty vội vã đưa giải trình nhưng đa số nhà đầu tư đều không hài lòng và vẫn cảm nhận sự thiếu minh bạch. Vì thế giá cổ phiếu TRI trên TTCK rớt rất nhanh và chỉ còn 5.200đ/CP hôm 12-2.

Như vậy, việc có thêm 5 công ty bị vào diện kiểm soát đã làm TTCK Việt Nam thêm “ảm đạm”, VN-Index trở về dưới mức 280 điểm và đẩy HASTC-Index trôi về gần 90 điểm. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, trong tình hình khó khăn hiện nay, để nhà đầu tư bình ổn tâm lý, trước hết bản thân các công ty niêm yết phải rõ ràng, minh bạch về báo cáo tài chính.

TƯỜNG CHÂU

Tin cùng chuyên mục