Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực để phát triển bền vững

(SGGP). – Ngày 14-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các ngân hàng thương mại về việc triển khai các quyết định của Chính phủ liên quan đến hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các kiến nghị liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ.

Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, việc thực hiện các quyết định của Chính phủ được triển khai nhanh và đồng bộ, nhất là việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất và xuất khẩu đã được triển khai khẩn trương. Chỉ sau 12 ngày triển khai, 5 ngân hàng thương mại đã cho vay hỗ trợ 4% lãi suất được khoảng 31.000 tỷ đồng, chủ yếu cho vay vào lĩnh vực sản xuất và chế biến nông - lâm - thủy sản.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trước bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, hệ thống ngân hàng vừa là chủ lực, chủ đạo trong ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nới lỏng chính sách tiền tệ, kích cầu đầu tư và bảo lãnh cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống ngân hàng đã triển khai đồng bộ đồng thời các giải pháp, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực giúp các tổ chức, cá nhân có vốn để sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động...

Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ và lãi suất, đồng thời nghiên cứu bổ sung hoặc giảm đối tượng cho vay ngay trong tháng 2-2009. Ngân hàng Nhà nước cần tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục thanh quyết toán, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này.

Ngành ngân hàng phải tính toán các vấn đề nảy sinh, đặc biệt là khi phát hiện tiêu cực phải truy thu. Triển khai thành công sẽ đóng góp quan trọng vào ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, bởi đây là những đối tượng yếu thế, cần được ưu đãi và tạo thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ (USD) trên thị trường vốn trong nước để đầu tư cho các dự án trọng điểm và bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước. Đối tượng mua trái phiếu là tổ chức, cá nhân cư trú hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Kỳ hạn trái phiếu từ 1 năm trở lên, do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định cho từng đợt phát hành và lãi suất...

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến của thị trường để có chính sách linh hoạt...

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp (20.000 tỷ đồng), giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, thu và chi ngân sách, quản lý thị trường, xuất nhập khẩu, công tác điều hành dự báo...

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi bí thư và chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương triển khai các nội dung phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong công điện, Thủ tướng nhấn mạnh: Yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, với trọng trách của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách đã ban hành trên địa bàn tỉnh, TP, nhất là các giải pháp để phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội (như hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế, đầu tư từ ngân sách, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ người nghèo...). Đồng thời, kiến nghị kịp thời những vướng mắc, khó khăn để Chính phủ khẩn trương điều chỉnh bổ sung chính sách, giải pháp cho phù hợp nhằm phấn đấu bảo đảm thực hiện sáng tạo và có hiệu quả cao các nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, giữ vững ổn định và phát triển hợp lý, bền vững đất nước.

Chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách đã được ban hành khá đầy đủ và kịp thời. Tuy nhiên, để chủ trương, chính sách trở thành hiện thực thì việc tổ chức thực hiện là khâu quyết định.

NH.HÀ - T.T.X.

Tin cùng chuyên mục