Ai “quản” sàn vàng?

(SGGP-12G).- Với sự biến động của giá vàng, hoạt động “lướt sóng” của các nhà đầu tư càng sôi động và nhiều sàn vàng cũng mọc lên như nấm. Chính vì vậy, sàn vàng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và cần được giám sát chặt chẽ hơn.

Sàn hay sòng?

Mặc dù trong tiến trình hội nhập WTO, sự ra đời của các sàn giao dịch vàng là điều tất yếu, tuy nhiên do chưa có quy chế rõ ràng nên ở nước ta hiện vẫn chưa có cơ quan chức năng nào có đủ thẩm quyền đứng ra cấp giấy phép kinh doanh cho sàn vàng. Do vậy, trái với thế giới, thời gian gần đây ở nước ta nhiều sàn vàng không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên ra đời.

Theo số liệu từ Hiệp hội Kinh doanh vàng VN thì sau sự xuất hiện đầu tiên của Sàn giao dịch vàng Sài Gòn ACB (đầu tháng 7-2007), hiện nay cả nước đã có trên 14 sàn giao dịch vàng với hơn 10.000 tài khoản giao dịch/ngày.

Thế nhưng, ngoài những sàn vàng sau một thời gian thành lập ngày càng chuyên nghiệp hơn như ACB (được Ngân hàng Nhà nước cũng như Hiệp hội Kinh doanh vàng đánh giá là tốt nhất hiện nay) thì vẫn có nhiều sàn vàng đang hoạt động chui, ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT).

Như đã biết, do hầu hết đều chưa được cấp phép kinh doanh, chưa có quy chế hoạt động thống nhất nên mỗi sàn đều có một “luật chơi” riêng mà người chơi phải chấp nhận như mức độ ký quỹ, hạn mức rút vàng, lãi suất qua đêm, thời gian giao dịch, địa điểm đặt lệnh, thời điểm xử lý tài khoản…

Không những vậy, quan hệ ràng buộc giữa nhà cái (chủ sàn) và NĐT khá lỏng lẻo, chỉ là bản hợp đồng thỏa thuận giao dịch do nhà cái lập ra (có thể gọi là luật của nhà cái). Vì vậy mà ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) đã từng nói rằng sàn vàng là một sân chơi “tả pí lù” dành cho tất cả mọi đối tượng. Không còn cách nào khác, khi đến với sân chơi này người chơi phải hiểu và chấp nhận luật chơi, nhất là phải chịu trách nhiệm với cuộc chơi, cụ thể là chấp nhận rủi ro do cuộc chơi mang lại. Chính vì điều này nên Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) đã từng ví các sàn vàng như một sòng bạc, đồng thời kiến nghị nên cấm việc tồn tại các sàn giao dịch vàng!

Chỉ nên cho ngân hàng mở sàn vàng?

Trong cuộc chơi trên sàn vàng, nhà cái kiểu nào cũng hưởng lợi. Lợi nhuận mà các nhà cái thu được từ các sàn vàng cũng khá hời. Đơn cử là sàn vàng ACB, sau gần 2 năm thành lập hiện nay trung bình một ngày khối lượng vàng giao dịch tại đây khoảng 400.000 lượng (cao nhất tại các sàn vàng hiện nay).

Với phí ra vào mỗi lượng vàng là 2.000đ, tính trung bình một ngày sàn này thu về khoảng 1,6 tỷ đồng (chưa tính các mức lãi suất mà các NĐT phải trả cho sàn mỗi khi lưu giữ vàng qua đêm). Nhìn thấy mối lợi này, thời gian qua, tranh thủ khi chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý sàn vàng, nhiều sàn vàng đã mọc lên, trong đó ngoài các sàn được đứng sau bởi các ngân hàng còn có các sàn của những công ty chứng khoán và doanh nghiệp khác.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, điều này rất nguy hiểm vì thông thường ngoài ngân hàng, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực tài chính để đảm bảo khả năng thanh khoản và nhất là không loại trừ trường hợp nhà cái vừa tổ chức vừa tham gia chơi!

Trong tình huống đó, nếu như số lượng vàng khớp lệnh lớn nhà cái không có khả năng thanh khoản là điều hoàn toàn có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, ông Khánh cho rằng trách nhiệm “cai quản” hoạt động sàn vàng phải tập trung vào một cửa là Ngân hàng Nhà nước và chỉ có các ngân hàng mới đủ điều kiện về vốn và công nghệ để thành lập sàn giao dịch vàng; các doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với ngân hàng để thành lập sàn giao dịch để giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, để chấn chỉnh lại các hoạt động trên sàn vàng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng nên sớm thành lập ban kiểm soát để giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của các sàn vàng, nhất là khối lượng vàng luân chuyển, nắm được số lượng dư bán dư mua mỗi ngày để có chính sách cân đối kịp thời, loại trừ trường hợp một số nhà cái do hám lợi “ôm vào” sau đó không có khả năng thanh khoản...

Nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động tại các sàn vàng trên cả nước, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 2241 yêu cầu các ngân hàng đang kinh doanh sàn giao dịch vàng phải báo cáo về tình hình hoạt động, đồng thời không cho mở thêm sàn giao dịch vàng mới.

MAI THI

Tin cùng chuyên mục