Củng cố sản xuất - ngành giấy phục hồi

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất trong ngành giấy đang phục hồi, tồn kho giấy đã giảm mạnh và hiện nay đã trở lại mức bình thường khoảng 35.000 tấn. Đáng lưu ý là sản xuất giấy in báo và giấy in viết (hai loại giấy chịu ảnh hưởng của việc giảm thuế nhập khẩu và gian lận thương mại) đã dần phục hồi, tháng 3-2009 tiêu thụ đã đạt 80% so với cùng kỳ năm trước và sẽ sớm đạt được mức sản xuất và tiêu thụ như trước suy thoái. Đầu tháng 4-2009 tiêu thụ giấy tăng mạnh, nhưng đến giữa tháng có dấu hiệu chững lại do nhiều người chờ đợi thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 50% kể từ 1-5-2009, và đến tháng 5-2009 tiêu thụ giấy sẽ tăng nhiều hơn.

Như vậy, có thể khẳng định sản xuất và tiêu thụ giấy năm 2009 sẽ cao hơn năm 2008, sản xuất có khả năng tăng 12% và tiêu thụ tăng 2%, so với năm 2008. Đặc biệt, năm 2009 xuất khẩu giấy tăng và nhập khẩu giấy giảm do huy động năng lực sản xuất mới (hiện đại), sản xuất giấy chất lượng cao thay thế giấy nhập khẩu.

Để có kết quả này, có thể nói đến khả năng phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong ngành. Khi tình hình tiêu dùng suy giảm đột ngột, tồn kho cao vọt làm mọi người choáng ngợp, vì đã quen với tăng trưởng hàng năm 16% - 18% trong suốt 20 năm qua. Sau đó, các doanh nghiệp nhanh chóng rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý và sản xuất, lấy mục tiêu duy trì sản xuất ở mức tối đa, sắp xếp để bảo toàn lực lượng lao động (có thể thiếu việc nhưng không mất việc).

Hàng loạt các biện pháp được thực hiện, trong đó đáng kể là các doanh nghiệp như Tân Mai, Bãi Bằng… đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất, tập trung cải tiến kỹ thuật nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng và tăng năng suất lao động; tăng cường biện pháp kỹ thuật trong xử lý chất thải; đẩy mạnh tiêu thụ; tính lại phương án kinh doanh chấp nhận giảm lãi; áp dụng chính sách tiêu thụ linh hoạt qua chiết khấu… Nhờ những biện pháp tổng thể, chi phí giá thành sản xuất đã giảm, nhiều doanh nghiệp đã công bố giảm giá bán sản phẩm 2 - 3 lần trong thời gian qua, thậm chí giấy in viết đã hai lần giảm giá trong vòng 20 ngày gần đây.

Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cổ phần Giấy Tân Mai cho biết, trước diễn biến thị trường giấy phức tạp hiện nay, doanh nghiệp đã rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, tìm mọi cách ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lao động mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm của các nước lân cận. Tân Mai xác định cụ thể, xu hướng cạnh tranh mới phải tập trung đi vào chiều sâu là năng suất và chất lượng. Chính vì thế mà Tân Mai đang đẩy mạnh triển khai 4 dự án đầu tư mới với công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa cao và sử dụng nguyên liệu trong nước.

Ông Võ Sỹ Dởng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng đồng tình, các dự án đầu tư mới của ngành giấy hiện nay phải có trình độ thiết bị công nghệ hiện đại, vừa đảm bảo chất lượng và năng suất lao động cao để giá thành hạ, vừa hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây là đòi hỏi bức bách mà ngành giấy phải tuân thủ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong tương lai.

Phước Ngọc

Tin cùng chuyên mục