Hôm nay 3-2, Thông xe đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

Hôm nay 3-2, Bộ Giao thông Vận tải chính thức cho thông xe đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến cao tốc đường bộ đầu tiên của Việt Nam dành cho xe cơ giới chạy 2 chiều riêng biệt, nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Hôm nay 3-2, Thông xe đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

(SGGP).- Hôm nay 3-2, Bộ Giao thông Vận tải chính thức cho thông xe đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến cao tốc đường bộ đầu tiên của Việt Nam dành cho xe cơ giới chạy 2 chiều riêng biệt, nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tuyến đường này dài 61,9km, gồm 2 hệ thống đường: phần đường cao tốc dài 40km có điểm đầu tại Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TPHCM) và điểm cuối tại xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) và các tuyến đường nối dài 21,9km. Trong đó, đường nối từ Bình Thuận vào Chợ Đệm dài 3,7km (dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý 1-2011), đường nối từ Tân Tạo vào Chợ Đệm dài 9,6km (đã hoàn thành), đường nối từ ngã ba Lương Phú, ngã ba Đồng Tâm đến Trung Lương dài 8,8km (đã hoàn thành). Ngoài ra, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương còn kết nối với Tỉnh lộ 830 và Quốc lộ 62 (tỉnh Long An) bằng các nút giao khác mức.

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương trước ngày chính thức thông xe. Ảnh: CAO THĂNG

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương trước ngày chính thức thông xe. Ảnh: CAO THĂNG

Theo quy định, tốc độ lưu hành tối đa ở làn cạnh dải phân cách giữa là 100km/giờ, tốc độ tối thiểu là 60km/giờ. Tốc độ lưu hành tối đa ở làn dừng khẩn cấp là 80km/giờ, tốc độ tối thiểu là 50km/giờ. Khi mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn giữa các phương tiện là 50m nếu chạy với tốc độ 80km/giờ và 100m nếu chạy với tốc độ trên 80-100km/giờ. Các phương tiện giao thông chỉ được “ra, vào” đường ở 4 nút giao: Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An và Thân Cửu Nghĩa. Các xe có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ, máy kéo, mô tô 2, 3 bánh, xe thô sơ, người đi bộ… không được đi trên đường cao tốc.

Tổng vốn đầu tư cho công trình gần 10.000 tỷ đồng. Việc thông xe đường cao tốc TPHCM - Trung Lương trước Tết Nguyên Đán 2010 có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động giao thông ở khu vực miền Tây Nam bộ. Nó sẽ góp phần giảm tải rất đáng kể cho trục Quốc lộ 1A từ TPHCM đi miền Tây Nam bộ, vốn đang quá tải trầm trọng.

N.Khoa

Tin cùng chuyên mục