Kinh tế tư nhân: Thúc đẩy phát triển cả lượng và chất

Kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm cho xã hội. Đã đến lúc không được phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các thành phần kinh tế khác. Cần tập trung phát triển mạnh khu vực này để góp phần nâng cao tính cạnh tranh nền kinh tế… Đó là những ý kiến tâm huyết được nêu ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.
Kinh tế tư nhân: Thúc đẩy phát triển cả lượng và chất

Kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm cho xã hội. Đã đến lúc không được phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các thành phần kinh tế khác. Cần tập trung phát triển mạnh khu vực này để góp phần nâng cao tính cạnh tranh nền kinh tế… Đó là những ý kiến tâm huyết được nêu ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.

Chưa xứng tiềm năng

Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, vị trí và vai trò ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng thu ngân sách từ khu vực KTTN tăng từ 6% (năm 2002) lên trên 11% (năm 2008).

Năm 2008, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp vào GDP 46,97%, trong đó có phần đóng góp quan trọng của KTTN; giải quyết trên 5 triệu việc làm mới, bình quân 800.000 lao động/năm, chiếm 50% số lao động tăng thêm của cả nước. Giai đoạn 2000-2008, cả nước có 330.490 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong 3 năm gần đây, số doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,5 lần về số lượng và gấp 5 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2000-2005.

"Sự phát triển KTTN là nhân tố không thể thiếu để nền kinh tế phát triển bền vững. Ở TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, hiện có trên 128.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm tới 80% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, về vốn chiếm khoảng 53%. Lực lượng này có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế TPHCM những năm qua."

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM

Năng lực KTTN trong nền kinh tế đã được nâng lên đáng kể. Tổng vốn đăng ký giai đoạn 2000-2008 là 2.110 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn FDI cùng kỳ, vốn đăng ký bình quân tăng 61,5%. Cơ cấu về ngành nghề, sản phẩm và quy mô vốn đầu tư của KTTN cũng có nhiều thay đổi. Một số doanh nghiệp của tư nhân đã phát triển thành tập đoàn kinh tế, tạo dựng được thương hiệu cả trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Dụ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, KTTN phát triển nhưng so với các thành phần kinh tế khác và so với yêu cầu phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trình độ phát triển của KTTN còn thấp.

Nhìn chung phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình, ít liên kết với nhau hoặc với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể.

Đa số doanh nghiệp đầu tư vào thương mại, dịch vụ với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trước mắt. Quản trị nội bộ của nhiều doanh nghiệp còn yếu; không ít doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể còn vi phạm các quy định pháp luật. Doanh nghiệp tư nhân phát triển chậm còn do gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, vốn sản xuất kinh doanh…

Nhiều chuyên gia nhận định tuy đường lối chủ trương đề ra là đúng nhưng trong nhận thức chỉ đạo điều hành của các cấp quản lý không đồng đều nên việc triển khai chính sách chưa sâu, chưa sát thực tế, có lúc còn gây khó khăn, triệt tiêu động lực phát triển doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, tiềm năng phát triển của KTTN chưa được khai thác hết, hiệu quả chưa cao.

Từ thực tế hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh nhiều bức xúc liên quan đến vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Đệ, Tổng giám đốc Công ty Hợp Lực (Thanh Hóa), cho biết nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn mở rộng sản xuất kinh doanh đang vướng mắc nhiều cản ngại, bị phân biệt đối xử, đặc biệt là trong đấu thầu.

Ông Đệ kiến nghị bỏ cách gọi “doanh nghiệp ngoài nhà nước” và ngay tại hội nghị được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đồng tình: “Gọi như thế là vô lý, khác nào coi đó là doanh nghiệp vô chính phủ. Cần phải chuyển đổi nhận thức ngay từ cách gọi này”.

Khuyến khích, tạo động lực phát triển

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, sắp tới cần tiếp tục có các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện để KTTN phát triển thành lực lượng mạnh, tạo động lực để khu vực kinh tế này có đóng góp bền vững, lâu dài cho đất nước. Hiện nay, số doanh nghiệp trong cả nước đã đạt khoảng trên 500.000; phấn đấu đến năm 2010 cả nước sẽ có khoảng 1,2 triệu doanh nghiệp tư nhân. “Mỗi doanh nghiệp chỉ cần giải quyết khoảng 12-15 lao động, sẽ có khoảng 12, 15 hoặc 20 triệu người có việc làm” - Phó Thủ tướng nói.

Nước ta hiện có 35 triệu lao động nông nghiệp, chiếm gần 70% tổng số lao động cả nước nhưng năng suất hiệu quả rất thấp. Nếu các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, số lượng lao động nông nghiệp sẽ chuyển dịch vào các doanh nghiệp, vừa phát huy được tiềm năng lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết được vấn đề xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Phó Thủ tướng lưu ý thời gian tới lực lượng doanh nghiệp tư nhân phải phát triển về số lượng, vừa phát triển về chất lượng theo hướng tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Trước nay nền kinh tế nước ta vẫn phát triển chủ yếu theo chiều rộng, nay cần tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển hài hòa để có điều kiện chuyển đổi cơ cấu lao động.

Về phát triển theo chiều sâu, Phó Thủ tướng gợi ý theo 2 hướng. Thứ nhất, phải tạo ra các sản phẩm, tổ chức sản xuất kinh doanh trong những ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật, chất xám cao, mang lại giá trị gia tăng cao. Thứ hai, tiến mạnh vào các lĩnh vực dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, hàng không, bảo hiểm, khai thác chế biến sâu…

Năng lực KTTN đã được nâng lên, nhiều doanh nghiệp phát triển thành tập đoàn, nhưng so với yêu cầu vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ảnh: LÃ ANH

Năng lực KTTN đã được nâng lên, nhiều doanh nghiệp phát triển thành tập đoàn, nhưng so với yêu cầu vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ảnh: LÃ ANH

Tuy nhiên để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ về chiều sâu, cơ chế chính sách cần tiếp tục đổi mới. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), cho biết doanh nghiệp của ông chủ yếu đầu tư về công nghệ cao, phải bỏ nhiều tiền để thu hút chất xám và đầu tư với vòng quay vốn khá dài. Nhưng mặt bằng lãi suất ngân hàng phải chịu lại bằng với lãi suất cho vay để đi buôn bất động sản, chứng khoán là không hợp lý.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ. Xí nghiệp cơ khí Quang Trung bỏ nhiều tiền để đầu tư nghiên cứu, chế tạo được 11 loại cần cẩu với tỷ lệ nội địa hóa 90% nhưng đến nay không xuất khẩu được vì... chưa có phòng thí nghiệm!

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ Trường Thành, cho rằng muốn kích thích doanh nghiệp đầu tư về chiều sâu, chính sách không nên cào bằng. Giai đoạn kinh tế suy giảm, gói hỗ trợ lãi suất khá cào bằng, gói hỗ trợ tiếp theo nên tập trung cho lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó TGĐ Tập đoàn Kinh Bắc, đề nghị Nhà nước cần có chính sách cho doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận nguồn tài nguyên thông qua các dự án chế biến khoáng sản để mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho xuất khẩu. Mặt khác, nên hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ bằng ưu đãi thuế để giảm nhập khẩu.

Tiếp tục đổi mới cơ chế

"Để doanh nghiệp tư nhân phát triển cả về lượng và chất, ở tầm vĩ mô, Chính phủ nên sớm công bố và triển khai đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Trước hết là cơ chế đổi mới doanh nghiệp để có hướng phát triển lâu dài với các chính sách đồng bộ. Để kích hoạt khu vực này phát triển, cần xem xét, giải quyết hàng loạt vấn đề với tinh thần không phân biệt đối xử, như đất đai, vốn, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực."

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tháo gỡ những vướng mắc cụ thể là điều quan trọng, nhưng đổi mới cơ chế theo hướng tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế mới là hướng phát triển bền vững đối với doanh nghiệp tư nhân.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Cà phê Trung Nguyên, cho rằng quan điểm về phát triển KTTN đã rất rõ ràng. Vì thế cần có chính sách để nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và của quốc gia trên thương trường quốc tế.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, kiến nghị cần thay đổi tư duy về hỗ trợ doanh nghiệp. Nguồn tiền của Nhà nước thu được từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thay vì đầu tư vào các doanh nghiệp kém hiệu quả, cần tập trung đầu tư cho giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thông qua đó, các doanh nghiệp mọi thành phần, không kể tư nhân hay Nhà nước, có thể giảm chi phí, đổi mới công nghệ vươn lên cạnh tranh tầm quốc tế.

Liên quan đến các vướng mắc về đất đai, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết thời gian tới sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua một nghị quyết toàn diện về đổi mới chính sách pháp luật đất đai.

Theo đó, sẽ khắc phục cơ bản sự thiếu đồng bộ trong các đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản hiện nay; nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, khắc phục triệt để tình trạng “xin - cho”; giải quyết vấn đề vốn hóa đất đai của các doanh nghiệp và có chế tài đủ mạnh để xử lý đất sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu sửa đổi gấp Luật Đất đai theo hướng đưa giá đất sát với thực tế, giải quyết vấn đề tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp tư nhân.

Bảo MInh

Tin cùng chuyên mục