Thúc đẩy hình thành thị trường vốn ASEAN

(SGGP-ĐTTC).- Hợp tác phát triển các thị trường trái phiếu và đẩy nhanh tiến trình sử dụng đồng tiền chung nội khối trong thời kỳ suy thoái kinh tế nhằm góp phần ngăn ngừa nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế, là nội dung được các đại biểu tham dự Hội nghị AFDM, ASEAN+3 và DCGM 6 quan tâm nhất. Với việc đưa ra “Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á”, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước ASEAN.

Tại hội nghị, các thứ trưởng, phó thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN đã bàn về những vấn đề hội nhập tài chính trong khu vực, trong đó có nội dung phát triển thị trường vốn, tự do hóa các dịch vụ tài chính, tự do hóa nguồn vốn và các nội dung liên quan đến diễn đàn phát triển thị trường vốn. Hội nghị đánh giá cao những tiến bộ trong lĩnh vực hội nhập của thị trường tài chính trong năm vừa qua.

Chủ đề phát triển thị trường vốn năm 2010 cũng được bàn luận để làm sao thúc đẩy sự kết nối giữa thị trường giao dịch các nước trong khu vực; phát triển các loại trái phiếu trung hạn để tăng cường tính thanh khoản của thị trường; phát hành trái phiếu, cổ phiếu chào bán qua biên giới và các giải pháp khác có liên quan như vấn đề luân chuyển dòng vốn, chính sách thuế, các quy định quản lý…

Các đại biểu đã thảo luận việc thành lập thị trường chung về trái phiếu trong khu vực và cho phép phát hành trái phiếu ra nước ngoài. Thí dụ Việt Nam có thể phát hành trái phiếu tại Malaysia, các nước trong khu vực và ngược lại. Các nhà đầu tư trong ASEAN có thể đầu tư vào trái phiếu của các nước trong khu vực. Các ngân hàng đầu tư, các tổ chức tài chính phát hành trái phiếu của các nước ASEAN có thể hợp tác trong việc mua bán trái phiếu.

Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á không những đem đến lợi ích cho tất cả các nước khu vực cộng đồng chung ASEAN, mà còn giúp các nước thành viên có thể thu hút vốn hiệu quả hơn, quay vòng vốn một cách dễ dàng. Tuy nhiên, để sáng kiến triển khai có hiệu quả, các nước trong khối ASEAN cần đề ra và thực hiện các quy tắc, điều lệ chung trong một khối. Bởi, thực tế hiện nay các nước thành viên có các quy tắc, luật lệ khác nhau, nên cần có sự thống nhất chung.

Riêng đối với Việt Nam, thị trường trái phiếu đang ở giai đoạn đầu sự phát triển, quy mô thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 17% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 58%, Malaysia 82%, Singapore 74% và Trung Quốc 53%... Tuy vậy, trong hai năm trở lại đây, thị trường trái phiếu Việt Nam đã có sự khởi sắc ở cả khu vực trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Sáng kiến thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền khu vực trong thanh toán thương mại của khối ASEAN cũng được các đại biểu bàn luận sôi nổi. Sáng kiến này tập trung vào nghiên cứu khả năng thúc đẩy sử dụng các đồng tiền thanh toán thương mại nội khối ASEAN, cũng như khả năng thành lập một hệ thống thanh toán bù trừ khu vực nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.

Theo đánh giá của các đại biểu, việc sử dụng các đồng tiền nội khối trong thanh toán thương mại sẽ mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư vào khối; giảm rủi ro gắn liền với sự biến động của các đồng tiền thanh toán phổ biến đang được sử dụng; giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường khu vực; khuyến khích đầu tư dự trữ vào thị trường tài chính khu vực…

Tin cùng chuyên mục