Chi phí đầu vào tăng cao: Doanh nghiệp phấn đấu bình ổn giá

Thông tin từ một số hệ thống siêu thị ở TPHCM, hiện đã có hơn 30% nhà cung cấp yêu cầu tăng giá bán bình quân 7% - 10%. Chưa bao giờ các nhà sản xuất, kinh doanh phải đối mặt bài toán lợi nhuận và doanh thu nan giải như hiện nay.
Chi phí đầu vào tăng cao: Doanh nghiệp phấn đấu bình ổn giá

Thông tin từ một số hệ thống siêu thị ở TPHCM, hiện đã có hơn 30% nhà cung cấp yêu cầu tăng giá bán bình quân 7% - 10%. Chưa bao giờ các nhà sản xuất, kinh doanh phải đối mặt bài toán lợi nhuận và doanh thu nan giải như hiện nay.

Tăng giá sản phẩm - điều bắt buộc?

Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina), cho biết, nguyên vật liệu và chi phí sản xuất hiện đã tăng rất cao, khoảng 15% - 17% so với năm 2009. Công ty đã tính đủ mọi cách để ổn định giá bán nhưng vẫn không chống chọi nổi với chi phí đầu vào tăng quá cao.

Để đảm bảo sản xuất, Casumina vừa tăng giá bán thêm 5% so với tháng 2-2010. Mặt khác, tăng giá là vấn đề hết sức nhạy cảm trong thời điểm sức mua đang ở mức thấp điểm, đặc biệt là Chính phủ vừa có chủ trương phải kiềm chế lạm phát. “Đây là việc chẳng đặng đừng, mong người tiêu dùng chia sẻ để chúng tôi có thể vượt qua cơn bĩ cực này” - ông Trí cho biết.

Sữa ngoại nhập có mức tăng cao. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sữa ngoại nhập có mức tăng cao. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại cửa hàng Khang Cường – chợ Bến Thành, các mặt hàng gia dụng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… đều đã tăng giá bán tương ứng với mức điều chỉnh của đồng USD kể từ giữa tháng 2-2010. Cùng một sản phẩm như nồi ủ 5 lít giá bán chỉ dừng ở mức 450.000 đồng/chiếc nhưng nay đã lên 520.000 đồng/chiếc.

Lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn cũng thừa nhận, hầu hết những mặt hàng nhập khẩu như sữa, hàng gia dụng… giá bán đã tăng ngay trong quý 1-2010 vì chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá USD. Thế nhưng, với những doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, sau một thời gian nghỉ tết khi bắt tay vào làm việc mới bừng tỉnh vì chi phí đầu vào đã tăng quá cao, cộng với giá nhân công tăng vọt do thiếu lao động mới quay sang đề nghị tăng giá bán thành phẩm.

Điều này có thể lý giải vì sao đến thời điểm này số lượng các nhà cung cấp đề nghị tăng giá bán ngày càng nhiều. Hiện nay các đơn hàng tăng giá chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng như bánh kẹo, dầu ăn, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, nước giải khát… Mức tăng sẽ dao động 7% - 10%.

Cần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất

Về đề xuất tăng giá bán của các nhà cung cấp, ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc hệ thống siêu thị CitiMart, khẳng định, chỉ trừ mặt hàng sữa ngoại nhập là chưa có cơ sở để tính toán mức tăng có hợp lý hay không, hầu hết các mặt hàng còn lại là khá hợp lý.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho rằng: Chi phí đầu vào của sản xuất tăng là do các yếu tố khách quan và mọi người đều có thể quan sát được. Nhà phân phối muốn “ép” các nhà cung cấp không tăng giá cũng không xong. Chỉ có một vấn đề, khi nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, Saigon Co.op sẽ làm việc trực tiếp và đề nghị giải trình mức tăng thêm ở mức hợp lý nhất.

Đối với một số nhóm hàng thiết yếu (trừ sữa ngoại nhập khẩu), Saigon Co.op phải tự thiết lập thang giá để từ đó chủ động hơn trong việc tính toán về mức giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Trong trường hợp đối tác không đưa ra các phương án hợp lý, Saigon Co.op có quyền từ chối đề nghị tăng giá.

Để gỡ khó cho các DN sản xuất đồng thời có được mức giá tốt nhất nhằm đảm bảo doanh thu, hầu hết  siêu thị đã và đang thực hiện biện pháp ứng vốn để đặt một lượng hàng lớn. Thế nhưng, để làm được việc này, buộc các nhà phân phối phải đi vay vốn ngân hàng. Trong tình hình lãi suất đang ở mức rất cao, DN và nhà phân phối đang lừng khừng: chọn doanh thu hay theo đuổi lợi nhuận, vì để có doanh thu thì lợi nhuận phải giảm hoặc bằng 0.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện các nhà phân phối vẫn bước vào cuộc đua khuyến mại vừa nhằm mục đích kích cầu, đẩy mạnh lượng hàng tồn, vừa quay vòng đồng vốn nhanh vừa đảm bảo doanh thu. Trên thực tế, việc tổ chức các chương trình này các siêu thị chấp nhận giảm chiết khấu, thậm chí là hòa vốn. Giám đốc một siêu thị cho rằng, chưa bao giờ lợi nhuận lại giảm mạnh như thời điểm hiện nay.

Đã đến lúc Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ vốn cho các DN sản xuất trong thời gian nhất định. Nên tiếp tục giãn, giảm thuế VAT cho một số ngành hàng mà chúng ta đã thực hiện trong năm 2009.

Đối với các DN thương mại cũng cần được hưởng hỗ trợ lãi suất trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kho, trạm trung chuyển hàng hóa phục vụ cho ngành bán lẻ. Điều quan trọng hơn cả là nhà nước cần ổn định giá các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu… để các DN có thể yên tâm sản xuất.

Bằng không chúng ta sẽ khó có thể thực hiện thành công cùng một lúc 2 nhiệm vụ vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục