Tái cấu trúc nền kinh tế – Yêu cầu bức thiết. Bài 1: Nhận diện thực trạng

LTS:
Tái cấu trúc nền kinh tế – Yêu cầu bức thiết. Bài 1: Nhận diện thực trạng

LTS: Tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Đề án tái cơ cấu nền kinh tế) đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện với mục tiêu trong vòng 10 năm tới phải đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bộc lộ nhiều điểm yếu trầm trọng, đây là đề án mang nhiều kỳ vọng lớn lao.

Khu vực kinh tế tư nhân có mức đầu tư không cao nhưng có đóng góp lớn trong nền kinh tế. Ảnh: CAO THĂNG

Khu vực kinh tế tư nhân có mức đầu tư không cao nhưng có đóng góp lớn trong nền kinh tế. Ảnh: CAO THĂNG

Sơ chế và gia công

Những điểm yếu cơ bản của cơ cấu kinh tế nước ta không phải đến bây giờ mới được nhìn ra. Từ khá lâu, các chuyên gia kinh tế cũng như chính bản thân các nhà hoạch định chính sách đã phác thảo cận cảnh nền kinh tế với các biểu hiện rõ nét: Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm có xu hướng giảm dần, chất lượng giảm sút; tăng trưởng kinh tế thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên; hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai...) và năng suất lao động còn thấp. Chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm ở mức cao và có xu hướng tăng lên... Nếu các điểm yếu này chậm được khắc phục, tốc độ và hiệu quả nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Theo Bộ KH-ĐT, trong số 112 ngành kinh tế quốc dân, chỉ có 26 ngành có đóng góp từ 1% GDP trở lên. Đây chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng; các sản phẩm công nghiệp sơ chế và sản xuất hàng tiêu dùng thâm dụng nhiều lao động phổ thông. Có 21 sản phẩm đóng góp từ 0,5 đến dưới 1% GDP, cũng chủ yếu là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu và một số dịch vụ.

Hiện nay vốn đầu tư đang đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng GDP hàng năm; lao động và nhân tố lao động tổng hợp đóng góp phần còn lại, khoảng 40%. Do công nghệ chậm đổi mới, các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 6%) và hầu như không thay đổi trong 10 năm qua. Cơ cấu các ngành nghề còn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và lao động phổ thông giá rẻ là chính. Trình độ sản xuất thấp nên sản phẩm xuất khẩu nước ta chủ yếu ở dạng gia công, lắp ráp. Giá trị gia tăng thấp do dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu và các sản phẩm trung gian từ bên ngoài.

Đến nay nước ta chưa có sản phẩm chủ lực mới, rất ít sản phẩm thương hiệu quốc gia. Đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP cũng như kim ngạch xuất khẩu đều từ lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng, rất ít các sản phẩm công nghiệp mang tính đặc thù thương hiệu Việt Nam!

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng nước ta cần có những tập đoàn, những thương hiệu quốc gia. Ông Bình bức xúc: “Chúng tôi đi chào phần mềm ở nước ngoài, nhiều đối tác hỏi Việt Nam có điện không, có thịt để ăn không. Đơn giản là trong suy nghĩ của họ, Việt Nam đi đôi với hình ảnh về chiến tranh, đói nghèo. Do vậy nói về việc làm phầm mềm họ rất ngạc nhiên. Điều này chứng tỏ nước ta vừa thiếu thương hiệu quốc gia, vừa thiếu quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới”.

Đổi mới nền tảng kinh tế

Ngoài việc nền kinh tế phụ thuộc vào các sản phẩm thâm dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thô, điểm yếu của nền kinh tế nước ta còn bộc lộ ở cơ cấu bất hợp lý về phân bố nguồn lực, biểu hiện ở các điểm: Các doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế tư nhân trong nước còn nhỏ, chưa thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế; trong khi đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng và đang mở rộng quy mô đến mức làm nền kinh tế nước ta phụ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài. Mặt hạn chế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là việc chuyển giao, phát triển năng lực công nghệ tại nước ta chưa đáng kể.

Một khía cạnh khác cũng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo là không gian kinh tế đang bị chia cắt, cát cứ theo đơn vị hành chính, nhất là các tỉnh, thành. Vì vậy, kinh tế vùng chưa hình thành bằng sự kết nối hữu cơ, hợp tác và bổ sung lẫn nhau để phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, các địa phương thường theo đuổi cơ cấu kinh tế tương tự nhau, cạnh tranh theo kiểu “cùng đi về đáy”, làm sai lệch hoặc phá vỡ không gian và quy hoạch phát triển chung...

Các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định: Tái cấu trúc kinh tế xuất phát từ 2 hoàn cảnh. Một là, thế giới cũng đang cấu trúc lại nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng để hạn chế những khiếm khuyết, như điều chỉnh mô hình kinh tế cũng như cung cách quản lý, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Hai là, do bản thân nền kinh tế nước ta đã bộc lộ các yếu kém nội tại, như cơ cấu kinh tế bất hợp lý, nông sản chế biến còn thấp, chủ yếu là xuất khẩu thô. Ngành công nghiệp đầu đàn, kỹ thuật cao chưa có, chỉ nặng về gia công; phân bổ giữa các ngành, các lĩnh vực chưa hợp lý...

Về lĩnh vực ưu tiên trong quá trình tái cấu trúc, ông Kiêm nhấn mạnh: “Cái gì mà xu thế thế giới đang cần, ta phải chớp thời cơ để làm. Xét nội tại nền kinh tế cũng thế, những gì nổi lên gây bức xúc, cản trở cho sự phát triển phải ưu tiên làm trước, những yếu kém khác, tồn tại thực sự nhưng đòi hỏi thời gian dài xử lý thì lùi lại làm sau. Việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phân định những việc dài hơi hoặc ngắn hạn để có giải pháp cụ thể”.

Việc tái cấu trúc kinh tế đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thực hiện thành công Việt Nam sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách, đuổi kịp và vượt các quốc gia khác trong khu vực về trình độ phát triển. Ngược lại, nếu quá trình đổi mới chậm lại, không theo kịp với những thay đổi từ bên ngoài và yêu cầu phát triển nội tại của đất nước, năng suất hiệu quả và năng lực cạnh tranh không được cải thiện, sẽ làm xói mòn niềm tin của thị trường và dân chúng vào việc tiếp tục duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô.

DNNN: Năng lực cạnh tranh kém

Khu vực kinh tế nhà nước có mức đầu tư khá cao (tiêu tốn trên 40% GDP) nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân chỉ khoảng trên 10%, thấp hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (19,6%) và khu vực kinh tế tư nhân (43,8%). Vì vậy cần soát xét lại hiệu quả việc đầu tư công của các DNNN.

Hiện nay cả nước còn trên 1.500 DNNN thuộc diện cổ phần hóa trong năm 2009-2010 nhưng phần lớn triển khai rất chậm chạp, không đạt lộ trình đề ra. Phần lớn các DNNN hiện nay làm ăn thua lỗ, chỉ có khoảng 300 DNNN hoạt động tương đối có hiệu quả, “gánh” 80% đóng góp của khu vực kinh tế này vào ngân sách nhà nước.

Chi đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm 45% nhưng chỉ đóng góp 6,1% vào mức tăng sản lượng. Trong khi đó đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chiếm 36% nhưng tăng sản lượng 28% và đầu tư nước ngoài với con số tương ứng 19% và 28%. Điều đó cho thấy hiệu quả đầu tư khu vực nước ngoài đạt cao nhất.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bài 2: Bắt đầu từ đâu?

Thúy Phương - Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục