Tái cấu trúc nền kinh tế – Yêu cầu bức thiết. Bài 2: Bắt đầu từ đâu?

Từ thực trạng nền kinh tế, Chính phủ đặt kỳ vọng việc đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 nước ta đạt được cơ cấu kinh tế tương đương trình độ phát triển trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người 3.000-3.200USD. Nền kinh tế mở cửa, có kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường hiện đại, có năng lực cạnh tranh tốt và tăng trưởng chủ yếu dựa vào cải thiện năng suất và hiệu quả.
Tái cấu trúc nền kinh tế – Yêu cầu bức thiết. Bài 2: Bắt đầu từ đâu?

Từ thực trạng nền kinh tế, Chính phủ đặt kỳ vọng việc đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 nước ta đạt được cơ cấu kinh tế tương đương trình độ phát triển trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người 3.000-3.200USD. Nền kinh tế mở cửa, có kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường hiện đại, có năng lực cạnh tranh tốt và tăng trưởng chủ yếu dựa vào cải thiện năng suất và hiệu quả.

Chế biến cao su tại Nhà máy cao su Long Thành - một đơn vị của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chế biến cao su tại Nhà máy cao su Long Thành - một đơn vị của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tạo chuyển động về chất

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định sau khủng hoảng quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và cải cách thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Vì vậy bộ này đã hoàn thành đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và giá trị của từng sản phẩm và toàn bộ nền kinh tế.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động và nội tại nền kinh tế bộc lộ nhiều yếu kém, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng giá trị nội địa hóa và xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc là phương hướng chủ yếu để nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập, tự chủ nền kinh tế.

Để tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề đầu tiên là phải nhận diện đúng thực trạng nền kinh tế để xác định được nội dung cần chuyển dịch hoặc tái cơ cấu bằng các giải pháp phù hợp.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu và trong điều kiện kinh tế thế giới chưa thật sự hồi phục sau khủng hoảng, việc tái cơ cấu nền kinh tế nước ta phải giải quyết 3 vấn đề lớn: Trước nhất, phải tạo nền tảng vững chắc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tạo ra sự cải cách đột biến về thể chế. Đó là việc hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với lộ trình cam kết WTO; phát triển cơ sở hạ tầng và giải tỏa các “điểm nghẽn” để thúc đẩy đầu tư kinh doanh một cách thông suốt cả về chiều sâu và trên diện rộng; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được cổ phần hóa, trở thành các công ty cổ phần đại chúng, được quản lý và hoạt động theo các quy tắc và thông lệ thị trường, thể hiện vai trò chi phối trong các ngành kinh tế then chốt nhờ nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Kinh tế tư nhân trong nước cần phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào các ngành có lợi thế cạnh tranh dựa trên thâm dụng vốn, công nghệ cao; có ảnh hưởng lan tỏa đến việc đổi mới và chuyển giao công nghệ cho các thành phần kinh tế khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Xác lập các chủ thể nền kinh tế

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp (VCCI), cho rằng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, nội dung quan trọng là thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp. Yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hạ tầng của nền kinh tế là 3 yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tái cấu trúc. 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT kiến nghị: “Tập đoàn nhà nước hiện có rất nhiều ưu đãi. Nhưng nếu so sánh giữa 2 khu vực tư nhân và Nhà nước thì hiệu quả sử dụng nguồn vốn, giải quyết công ăn việc làm, sử dụng công nghệ của khu vực kinh tế tư nhân phát triển cao hơn. Dưới góc độ như vậy, các nguồn lực quốc gia nên được phân bổ một cách hợp lý, không nên quá phân biệt”.

“Trước hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải đi đầu trong việc đổi mới công nghệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng” - ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, bên cạnh hỗ trợ về tài chính, cần phải có thông tin định hướng cho các doanh nghiệp. Bởi lẽ phần lớn doanh nghiệp vẫn còn rất lúng túng trong việc tái cấu trúc, đặc biệt trong việc đầu tư đổi mới thiết bị.

“Mua công nghệ nào, thiết bị nào để có được sức cạnh tranh trong tương lai, chứ không chỉ là những công nghệ rẻ, đáp ứng được yêu cầu trước mắt, hiệu quả nhưng không có sức sống trong dài hạn. Đây là một thách thức rất lớn đối với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lộc nhấn mạnh.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng bên cạnh các cải cách về kinh tế vĩ mô cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cải cách giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn, đáp ứng giai đoạn chuyển đổi sắp tới nền kinh tế. Với mục tiêu hướng tới cơ cấu kinh tế có giá trị gia tăng và hiệu quả cao hơn, có nghĩa phải dựa trên những ngành công nghiệp, dịch vụ ở trình độ cao hơn. Và vấn đề này chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đảm bảo...

Xác định ngành, lợi thế mũi nhọn

Để nâng cao hiệu quả nền kinh tế phải ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh và xác định các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển trong giai đoạn mới. Các ngành, sản phẩm ưu tiên cho nền kinh tế cần phát triển mạnh là luyện kim, lọc và hóa dầu, điện tử tin học, dịch vụ du lịch.. Những ngành này sẽ thay thế dần một số ngành thâm dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, giày da, chế biến gỗ...

Bên cạnh đó phải nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp và chất ượng sống ở khu vực nông thôn. Việt Nam là một nước có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có cụm liên hoàn kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như lúa gạo ở ĐBSCL; cà phê, tiêu, điều, cao su... ở Tây nguyên, Đông Nam bộ.

Giải pháp xây dựng vùng động lực tăng trưởng cũng cần được xem xét thấu đáo. Các vùng này phải kết hợp được công nghiệp hóa với đô thị hóa, xóa bỏ không gian khép kín kinh tế địa phương. Chương trình đầu tư của nhà nước phải giải tỏa các “điểm nghẽn” của nền kinh tế như từng bước hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn, trước hết là hạ tầng giao thông.

Về mô hình triển khai, cần tập trung tối đa nguồn vốn nhà nước và huy động bằng các hình thức thích hợp vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác để trong thời hạn sớm nhất hình thành đồng bộ cơ sở hạ tầng trên các vùng tăng trưởng động lực. Hoàn thành sớm nhất 3 cảng nước sâu, 3 cảng hàng không quốc tế tại 3 vùng kinh tế trọng điểm, đủ khả năng kết nối có hiệu quả nền kinh tế nước ta với bên ngoài.

THÚY PHƯƠNG - PHAN THẢO
Bài 3: Định vị nền tảng vững chắc

Ngăn chặn tình trạng chuyển giá

TPHCM có khoảng 3.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Báo cáo quyết toán thực tế từ năm 2008 trở về trước, 61% doanh nghiệp đều kê khai kinh doanh thua lỗ. Tình trạng các doanh nghiệp FDI kê khai thua lỗ trong năm 2009 cũng không thuyên giảm.

Mặc dù kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng quy mô hoạt động so với thời điểm cấp phép lên đến hàng chục lần. Biểu hiện rõ nét về việc lợi dụng chủ trương thông thoáng trong chính sách thu hút đầu tư là các công ty mẹ thành lập công ty con trong nước để được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, sử dụng lao động giá rẻ; chuyển giá về công ty mẹ để công ty con không có lãi, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Cách thức chuyển giá thông thường là công ty mẹ bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con với gá cao hơn giá thị trường để làm tăng chi phí, tăng khấu hao máy móc, thiết bị tại công ty con. Ngược lại, công ty con bán thành phẩm cho công ty mẹ với giá thành thấp hơn giá thị trường để làm giảm thu nhập chịu thuế.

Để ngăn chặn việc chuyển giá, Bộ Tài chính đang giao Tổng cục Thuế xây dựng hướng dẫn việc xác định giá thị trường về giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết để làm căn cứ xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

(Nguồn: Tổng cục Thuế)

Thông tin liên quan:
>> Tái cấu trúc nền kinh tế – Yêu cầu bức thiết. Bài 1: Nhận diện thực trạng

Tin cùng chuyên mục