Tái cấu trúc nền kinh tế – Yêu cầu bức thiết. Bài 3: Định vị nền tảng vững chắc

Chẩn đoán và trị bệnh
Tái cấu trúc nền kinh tế – Yêu cầu bức thiết. Bài 3: Định vị nền tảng vững chắc

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X vừa bế mạc đã xác định chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 là phát triển nhanh gắn với bền vững; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao, đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường... Điều này cho thấy yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế ngày càng nóng bỏng.

Khách hàng chọn mua áo sơ mi CTCP may Nhà Bè tại siêu thị. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Khách hàng chọn mua áo sơ mi CTCP may Nhà Bè tại siêu thị. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chẩn đoán và trị bệnh

Mục tiêu cuối cùng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế là tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm.

Nhìn vào đặc thù nền kinh tế nước ta, muốn làm được điều ấy phải chuyển đổi cơ bản từ một nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, lạc hậu sang một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; một nền công nghiệp chắp vá chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên khoáng sản và lắp ráp, gia công sang các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến. Đặc biệt, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp, có giá trị gia tăng cao.

GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định: Qua khủng hoảng, tất cả các nước đều phải tái cơ cấu nền kinh tế và Việt Nam sẽ tìm ra cơ hội mới của mình nếu tái cơ cấu, cải cách đúng hướng. Thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh và duy trì đà tăng trưởng nhưng chưa làm cho mình giàu tương ứng. Bởi lẽ hiệu quả nền kinh tế còn thấp. Khoa học công nghệ nước ta nếu không có sự thay đổi cơ bản không thể tăng trưởng chất lượng cao.

Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề hệ trọng, cần làm bài bản, không thể thực hiện bằng bộ máy hành chính thụ động. Để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế thành công, các giải pháp phải được định lượng, cụ thể hóa, vừa sát với tình hình Việt Nam vừa phù hợp với bối cảnh chung thế giới.

Để làm được điều này, nói như TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Việt Nam xác lập vị thế như thế nào sau giai đoạn khủng hoảng? Sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu... đã gây sức ép tiêu cực lên nền kinh tế.

“Nếu chậm khắc phục các vấn đề trên, nguy cơ xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục theo đuổi, dù tình hình kinh tế thế giới có phục hồi!” - ông Lịch nhấn mạnh.

Thật ra, tái cấu trúc nền kinh tế là yêu cầu thường xuyên của bất cứ nền kinh tế nào. Trong bối cảnh thế giới biến động càng đòi hỏi sự linh hoạt, năng động để thích ứng.

Ngay cả năm 2009, năm nước ta chật vật chống suy thoái kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế - tài chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, như cấp bù lãi suất, hỗ trợ vốn đổi mới thiết bị máy móc, đầu tư sản phẩm mới, mở rộng thị trường nông thôn... Chính sách tài khóa cũng đã tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là địa bàn nông thôn; đầu tư vào những ngành có lợi thế, có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu...

Nhưng hầu như các tác động này vẫn chưa đủ “đô” để làm doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, đứng vững. Và sau khi chấm dứt hỗ trợ vốn và lãi suất, các doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó khăn, căn bệnh cũ tái phát. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 70% GDP. Do đó, khi thị trường thế giới biến động hoặc khi một số nước lập hàng rào bảo hộ mậu dịch, ngay lập tức các doanh nghiệp trong nước liền bị rung lắc, chịu tác động bất lợi.

Xác lập sự liên thông, bổ trợ giữa thị trường bên ngoài và thị trường nội địa vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Sau khi có chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp đã chú ý hơn việc khai thác thị trường nội địa với số dân hơn 85 triệu người. Tuy nhiên, để chủ trương này mang lại hiệu quả thực tế cũng cần tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm để phù hợp với “thượng đế” – người tiêu dùng trong nước.

Kinh nghiệm các nước thuộc những nền kinh tế mới nổi phục hồi nhanh trong cơn khủng hoảng kinh tế vừa qua cho thấy, họ đều khai thác có hiệu quả thị trường nội địa. Và để củng cố thị trường nội địa, cần có chính sách, giải pháp mới thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ tín dụng trung dài hạn để doanh nghiệp cải tiến thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Quyết tâm và lộ trình

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, để tái cấu trúc nền kinh tế cần phải tổng kết lại thực tiễn phát triển vừa qua để phát huy những mặt mạnh và hạn chế, sửa chữa những yếu kém. Vấn đề là phải tìm ra được những “địa chỉ” để sửa chữa, đồng thời phải hòa nhập được với những thay đổi của thế giới.

Mặt khác, cần phải sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN và hệ thống doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu cũng là khai thác mặt mạnh, khắc phục mặt kém trên tinh thần xử lý rốt ráo các vấn đề mới đang nảy sinh. Cần chú ý đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân cũng như vai trò “huyết mạch” của DNNN. Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, điều quan trọng là phải nhận diện tình hình và phát hiện những vấn đề mới xuất hiện để có thể chớp thời cơ, đi nhanh hơn.

Tái cơ cấu nền kinh tế là nhằm xoay chuyển và định vị lại hoạt động kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hội nhập sâu để trở thành một mắt xích trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Để làm được việc này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng.

Đề án tái cơ cấu đã đưa ra 11 giải pháp để khắc phục các điểm yếu của nền kinh tế, như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thu hẹp dần bội chi ngân sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bãi bỏ các phân biệt đối xử trong gia nhập thị trường, về quyền kinh doanh các thành phần kinh tế...

Theo đó, Chính phủ sẽ thành lập Tổng cục Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân, thành lập Quỹ bảo lãnh đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bắt buộc các tổ chức tín dụng phải dành ít nhất 30% vốn đầu tư tín dụng khu vực này. Đề án cũng đưa ra đề xuất thành lập Ủy ban Cải cách và phát triển hoặc Bộ Phát triển kinh tế để có đủ thẩm quyền, năng lực thực thi tái cấu trúc nền kinh tế.

Để định vị nền kinh tế phát triển theo hướng vững chắc, nước ta còn phải giải quyết tiếp 2 vấn đề: Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn lực. Nếu 2 vấn đề này còn cản trở thì tái cấu trúc chưa thể thành công.

Là một chuyên gia phản biện đề án, TS. Cao Sỹ Kiêm đã nêu ý kiến: “Đề án muốn trở thành hiện thực phải quy định rõ bao giờ làm, ai làm, làm đến lúc nào xong và điều kiện để thực hiện là gì. Nếu không quyết tâm và đề ra lộ trình triển khai sẽ rất khó thành công”.

Việt Nam tụt 7 bậc về năng lực cạnh tranh

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa cảnh báo một lần nữa về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nếu tiếp tục mô hình xuất khẩu dựa vào nguyên liệu thô và lao động giá rẻ. Sự thay đổi của WEF trong lần xếp hạng này là nâng trọng số nhóm tiêu chí cơ bản từ 60% trước đây lên khoảng 70%.

 Vì vậy, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2009-2010 là 82/133. So với công bố tháng 10-2009, năng lực cạnh tranh Việt Nam giảm 7 bậc.

Sự thay đổi này cho thấy thế giới khẳng định xu thế không coi trọng sự phát triển dựa trên xuất khẩu thô, dựa vào lĩnh vực thâm dụng lao động, tài nguyên. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam phải hướng trọng tâm vào cải thiện năng suất, chất lượng tăng trưởng chứ không phải tốc độ tăng GDP. Chính chất lượng tăng trưởng là yếu tố tác động đến sự thịnh vượng quốc gia.

Thúy Phương – Phan Thảo

  • Thông tin liên quan:

- Bài 1: Nhận diện thực trạng

- Bài 2: Bắt đầu từ đâu?

Tin cùng chuyên mục