TP Hồ Chí Minh: Tạm ngưng phát triển taxi

Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa giao Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tạm thời “chốt” số lượng xe taxi đang hoạt động của từng doanh nghiệp. Hạn chót hoàn thành công tác này ngày 31-5-2010. Từ ngày 1-6-2010 chỉ cho phép các doanh nghiệp thay thế 1 xe cũ bằng 1 xe mới cho đến khi có quyết định mới của UBND TPHCM.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa giao Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tạm thời “chốt” số lượng xe taxi đang hoạt động của từng doanh nghiệp. Hạn chót hoàn thành công tác này ngày 31-5-2010. Từ ngày 1-6-2010 chỉ cho phép các doanh nghiệp thay thế 1 xe cũ bằng 1 xe mới cho đến khi có quyết định mới của UBND TPHCM.

Quá nhiều taxi
 
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, nguyên nhân chính để ra quyết định trên là do số lượng xe taxi hiện đang hoạt động trên địa bàn TPHCM đã vượt quá mức dự kiến trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM giai đoạn 2010-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007.

Sự vượt mức này đang ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông TP và UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải xem xét, thực hiện các biện pháp cần thiết để tạm thời chấn chỉnh hoạt động taxi trên địa bàn TP.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM nêu trên, trong giai đoạn 2010-2015 TPHCM sẽ có khoảng 9.500 xe taxi. Tuy nhiên số lượng xe taxi hiện nay đã hơn 12.550 xe, vượt hơn 3.000 xe so với dự kiến.

Không chỉ có thế, nếu so sánh với tiêu chí phát triển xe taxi chung của thế giới: bình quân 1.000 người dân cần 1 xe taxi thì 12.550 xe đã vượt nhu cầu sử dụng của hơn 8 triệu dân TPHCM. Sự quá tải này không những ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông thành phố mà tạo ra sự lãng phí chung của toàn xã hội.
 
Theo ông Tạ Long Hỉ, Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, kiêm Giám đốc Taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, hiện nay, tỷ lệ kilômét vận doanh có khách trên tổng kilômét vận hành của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn TPHCM chỉ vào khoảng 50%. Rất ít đơn vị đạt mức 55%-60%, đa số doanh nghiệp chỉ đạt mức 40%-45%.

Chính vì vậy, ông Tạ Long Hỉ cho biết, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn TP không phản đối quyết định tạm ngưng phát triển thêm xe taxi mới của Sở Giao thông Vận tải và UBND TPHCM. “Chúng tôi chỉ có một số băn khoăn về cách thức kiểm kê số lượng taxi hiện có của Sở Giao thông Vận tải”, ông Tạ Long Hỉ nói.
 
Sở Giao thông Vận tải dự định “chốt” số lượng taxi theo số lượng phù hiệu taxi dán trên mỗi xe do Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng phát hành. Hiệp hội Taxi đề nghị bổ sung thêm phương thức: thống kê số lượng taxi bằng danh sách xe taxi đăng ký tại cơ quan công an hoặc bằng số lượng metter taxi các doanh nghiệp taxi đưa đi kiểm định ở cơ quan chức năng.

Bảo vệ quyền lợi hành khách

Tạm ngưng phát triển taxi để chấn chỉnh, rà soát, rất cần thiết trong bối cảnh trật tự an toàn giao thông TPHCM đang diễn biến phức tạp. Thế nhưng, ở góc độ khác, cũng có nghĩa là đang... bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi. Hành khách không có thêm nhiều taxi mới để lựa chọn, các doanh nghiệp kinh doanh taxi hiện hữu càng “có giá”.

Chính ông Võ Ba, Giám đốc Taxi Future đã phát biểu: “Không có thêm đối thủ mới trong cạnh tranh, các hãng taxi chỉ có lợi”.
 
Do đó, đây là một thực tế ngành chức năng cần quan tâm trong quá trình thực thi chủ trương tạm ngưng phát triển taxi trên địa bàn TPHCM. Hiện nay, về nguyên tắc, Nhà nước không quản lý giá cước vận tải nói chung và giá cước taxi nói riêng.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người dân, hành khách đi taxi, TPHCM cần sớm nghiên cứu ban hành các quy chế quản lý mới phù hợp trong điều kiện này nhằm vừa chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông vừa không để quyền lợi chính đáng của hành khách bị xâm phạm.

Nên chăng, sau khi xác định được số lượng taxi cần có, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức đấu thầu, chọn ra những doanh nghiệp có dịch vụ tốt nhất. Chỉ có những doanh nghiệp này mới được phép hoạt động phục vụ người dân.

Và việc đấu thầu sẽ được tổ chức theo định kỳ 3 năm hay 5 năm/lần để loại ra những doanh nghiệp phục vụ không tốt và tìm kiếm thêm các doanh nghiệp mới có chất lượng dịch vụ tốt hơn.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục