Đằng sau cuộc thi hoa hậu thế giới chuyển về Tiền Giang bất thành

Bán vốn nhà nước đúng hay sai?

Liên quan đến bài viết “Phiên đấu giá sai luật?” của Công ty CP Du lịch Tiền Giang (CTDLTG) trên Báo SGGP số ra ngày thứ sáu 14-5, ngày 16-5 trong thông cáo gửi đến các báo không có số công văn và ký tên đóng dấu, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải trình vụ việc liên quan đến những nội dung này.

Liên quan đến bài viết “Phiên đấu giá sai luật?” của Công ty CP Du lịch Tiền Giang (CTDLTG) trên Báo SGGP số ra ngày thứ sáu 14-5, ngày 16-5 trong thông cáo gửi đến các báo không có số công văn và ký tên đóng dấu, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải trình vụ việc liên quan đến những nội dung này.

SCIC khẳng định: Đúng luật!

Đó là khẳng định của Công ty SCIC trên văn bản này. SCIC cho rằng thông qua Công ty CP Chứng khoán An Bình (đơn vị tư vấn cho việc đấu giá) và ý kiến tư vấn của luật sư: “SCIC thực hiện thoái vốn theo phương thức bán đấu giá công khai thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, có chức năng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và bán đấu giá cổ phần theo đúng quy định pháp luật hiện hành. SCIC khẳng định quy trình bán vốn đối với CTDLTG bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và bảo đảm thông tin công khai, minh bạch đối với tất cả các nhà đầu tư. Đồng thời, việc xác định giá khởi điểm cũng đã tính đến lợi thế đất đai và vị trí địa lý của doanh nghiệp”.

Tài liệu gửi kèm văn bản trên là tư vấn của Công ty Luật Vilaf Hồng Đức, cũng khẳng định: “Việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong CTDLTG là hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Việt Nam...”. Việc khẳng định không làm sai được công ty viện dẫn các nguyên nhân: “Vào thời điểm tháng 2-2009, CTDLTG không phải là công ty đại chúng hoặc công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 73 của Bộ Tài chính không còn hiệu lực (thay vào đó Cam kết WTO về vấn đề hạn chế sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng)…”.

Ngoài ra, bản phúc đáp của Công ty CP Chứng khoán An Bình gửi kèm theo cũng cho rằng: “Nhận thấy toàn bộ quá trình tiến hành đấu giá đều bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật. Kết quả đấu giá đã bán được hết số cổ phần dự kiến bán của SCIC, với giá bán 36.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần, trong hoàn cảnh điều kiện thị trường xấu là một thành công xét trên góc độ chuyên môn”.

Giới chuyên môn nhìn nhận: Sai luật!

Trước những thông tin mà SCIC phản hồi, chúng tôi đã đặt toàn bộ các vấn đề mà SCIC trả lời lên bàn các chuyên gia, thì lại nhận được những câu trả lời ngược lại. Chuyên gia Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng: CTDLTG là công ty nhà nước cổ phần hóa, đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng từ năm 2005. Như vậy, theo mục a, khoản 1, Điều 25, Luật Chứng khoán, thì công ty này đã trở thành công ty cổ phần đại chúng. Theo quy định, công ty này phải đăng ký là công ty đại chúng mới hợp lệ. Ngoài ra, CTDLTG là doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sang cổ phần, chào bán cổ phần ra công chúng nên đương nhiên trở thành công ty đại chúng, không cần căn cứ vào số lượng cổ đông và vốn trên dưới 10 tỷ đồng như giải thích của đơn vị tư vấn.

Trao đổi thêm với chúng tôi, luật sư Lê Thành Kính, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng cách trả lời của SCIC là thiếu thuyết phục. Theo luật sư Kính thì căn cứ Điều 4, quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 36/2003 về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp VN cũng khẳng định: “Mức góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài ở doanh nghiệp VN tối đa bằng 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp VN”. Điều đáng nói là Quyết định 36 nói trên có hiệu lực thi hành mãi cho đến ngày 15-8-2009, khi Quyết định số 88/2009 được ban hành để thay thế về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp VN. Như vậy, theo đúng quy định thì trong trường hợp CTDLTG, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm giữ 30% cổ phần trong công ty này và nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ không được tham gia đấu giá cổ phần trong đợt đấu giá tổ chức tiếp vào tháng 3-2009.

Trước những thông tin nhiều chiều liên quan đến việc đấu giá cổ phần trong CTDLTG như chúng tôi đã thông tin liên tục thời gian qua, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, để có câu trả lời thỏa đáng các vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

L.Thiện - H.Hiệp

Đằng sau cuộc thi hoa hậu thế giới chuyển về Tiền Giang bất thành

- Bán rẻ, buông lỏng quản lý tài sản công

- Kiểm tra lại việc đấu giá tại Công ty CP Du lịch Tiền Giang

- Phiên đấu giá cổ phần sai luật?

- Kiểm tra việc cho Công ty CP Du lịch Tiền Giang thuê đất

- Công ty CPDL Tiền Giang giá bao nhiêu?

- Chuyện chưa kể về “ông chủ” mới

- Lộ chuyện rút ruột tài sản công?

Tin cùng chuyên mục