Lâm Đồng phấn đấu phát triển nhanh và bền vững

Lâm Đồng phấn đấu phát triển nhanh và bền vững

Từ một tỉnh miền núi nhiều khó khăn, những năm qua, Lâm Đồng đã tập trung các nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo chuyển biến mạnh về kinh tế, xã hội. Ngay trước Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng.

Đóng gói trà Atisô tại Công ty dược Lâm Đồng.

Đóng gói trà Atisô tại Công ty dược Lâm Đồng.

- Phóng viên: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII (2006) nêu mục tiêu “thoát khỏi tình trạng chậm phát triển”, còn mục tiêu của Đại hội IX (2010) là “phát triển nhanh và bền vững”. Xin đồng chí cho biết những chuyển biến của địa phương trong 5 năm qua?

Đồng chí HUỲNH PHONG TRANH: Có thể khẳng định giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn phát triển tăng tốc của Lâm Đồng. Mục tiêu thoát khỏi tình trạng chậm phát triển đã được Đảng bộ, quân dân địa phương hoàn thành. Điều đó thể hiện qua một số nội dung chủ yếu như: Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 14%, cao hơn mức bình quân của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 19 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2005; thu ngân sách nhà nước tăng mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng, năm 2010 ước đạt 3.050 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2005; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm tăng khoảng 3,5 lần (so với 2001-2005)...

Các lĩnh vực kinh tế phát triển khá toàn diện. Nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất, năm 2010 đạt 76 triệu đồng/ha, gấp gần 3 lần so với năm 2005; giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 9,8%/năm. Về công nghiệp, giá trị sản xuất tăng bình quân 17,5%/năm. Một số ngành mũi nhọn tiếp tục phát triển nhanh, công nghiệp thủy điện và khai khoáng được khởi động, bước đầu phát huy hiệu quả. Thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 25%/năm. Nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời và hoạt động có hiệu quả, như vận tải đường bộ, đường không; nhiều khách sạn tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng và đưa vào hoạt động; một số khu du lịch tiếp tục được đầu tư mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu du lịch - dịch vụ; lượng khách du lịch năm 2009 đạt 2,5 triệu lượt, năm 2010 ước đạt 3 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2005.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực, đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua hàng năm, từ 23,7% (năm 2005) đến nay còn 5% (đồng bào dân tộc thiểu số từ 55,1% giảm còn 15%); chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 17,5%; an ninh chính trị được giữ vững…

Từ phân tích, đánh giá kết quả phát triển KT-XH địa phương trong nhiệm kỳ qua, Đại hội IX của tỉnh xác định chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, bảo đảm quốc phòng an ninh, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”. Phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu của nhiệm kỳ này.

- Theo đồng chí, vấn đề cốt lõi tạo sự chuyển biến về KT-XH của địa phương trong những năm qua là gì?

Thứ nhất, chủ trương, nghị quyết đề ra đúng, sát thực tế; lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm. Thứ hai, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Thứ ba, đoàn kết nội bộ, được sự đồng thuận của xã hội. Thứ tư, đội ngũ cán bộ đã có sự đổi mới về tư duy và phong cách lãnh đạo khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ năm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng đã có bước chuyển biến tích cực hơn so với trước, từ đó tập trung hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

- Đồng chí cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH chủ yếu mà Lâm Đồng sẽ tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới?

Đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể KT-XH, quy hoạch vùng, ngành. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện quy hoạch.

Tiếp tục xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Cụ thể, 5 khâu đột phá cần tập trung là: Phát triển đồng bộ hạ tầng KT-XH, trọng tâm là hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát huy lợi thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế, từng bước sắp xếp, tạo sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp và dịch vụ; phát triển du lịch chất lượng cao, sớm hình thành một số khu du lịch lớn, đa dạng hóa các loại hình đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế của địa phương trong những năm tới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp khai thác khoáng sản.

Tập trung các nguồn lực đầu tư, xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch chất lượng cao và trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và khu vực. Xây dựng Bảo Lộc trở thành đô thị công nghiệp gắn với phát triển các ngành dịch vụ.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng vững mạnh, trước hết là thường xuyên củng cố, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đặc biệt là đoàn kết thống nhất tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, những phát sinh ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tập hợp, vận động quần chúng tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bích Hiền thực hiện

Tin cùng chuyên mục