Giá điện có thể tăng 18%: Doanh nghiệp lo lằng

Nếu tăng giá điện 18%, CPI có thể tăng trực tiếp khoảng 0,45%

Trước sức ép lãi suất cao, việc sản xuất gặp không ít khó khăn. Mới đây, thông tin giá điện có thể tăng 18% từ tháng 3-2011 đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Dưới đây là ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp.

  • Tổng Giám đốc Công ty Khai thác liên doanh Khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung NGUYỄN VĂN BÉ: Chỉ nên tăng dưới 1 con số

Việc tăng giá điện và cúp điện do thiếu sản lượng trong thời gian tới sẽ gây khốn đốn cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Việc tăng giá điện ở con số 18% như đề xuất là quá cao. Theo chúng tôi, giá điện nên tăng từ từ, khởi điểm không vượt quá một con số. Bởi với mức tăng giá điện bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ bị tác động ở mức tương ứng khiến việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Để ứng phó với việc tăng giá điện cũng như cúp điện xảy ra, hiện chúng tôi đang động viên doanh nghiệp chuyển đổi thời gian làm việc từ ngày thường qua chủ nhật, nhưng cũng gặp khó khăn do mức lương ngày chủ nhật phải gấp đôi, gấp ba ngày thường. Chưa kể nếu thay đổi như vậy, đồng hồ sinh học của công nhân bị xáo trộn khiến hiệu quả sản xuất thấp. Đối với công tác tiết kiệm điện, cải tiến kỹ thuật để giảm điện chúng tôi đang triển khai rất quyết liệt.

  • Giám đốc Tài chính Tổng công ty Liksin PHAN ANH VIỆT: Tác động nhiều mặt

Là một doanh nghiệp sản xuất liên tục, việc điều chỉnh tăng giá điện lên 18% sẽ có tác động tương đối lớn đối với chúng tôi về nhiều mặt. Thứ nhất, tác động thẳng vào chi phí sản xuất, cụ thể trung bình một năm Liksin phải chi hơn 16 tỷ đồng tiền điện cho quá trình sản xuất. Nếu tăng giá điện, chúng tôi phải trả thêm gần 3 tỷ đồng tiền điện nữa, đây là một khoản chi phí cộng thêm không nhỏ. Thứ hai, việc tăng giá điện sẽ kéo theo hàng loạt sự tăng giá khác về nguyên vật liệu trực tiếp và các dịch vụ kèm theo. Đây chính là vấn đề Liksin băn khoăn nhất.

Như vậy, cùng với những khó khăn về tỷ giá, lãi suất ngân hàng, doanh nghiệp lại có thêm một mối lo mới là tăng giá điện và thiếu điện. Để giải quyết khó khăn, Liksin đang thực hiện một số giải pháp như: tiết kiệm vốn, giảm các loại chi phí, cải tiến kỹ thuật, rà soát các khâu nhằm tối đa hóa khả năng tiết kiệm điện.

  • Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Vĩnh Tường (VTI) NGUYỄN TRƯỜNG HẢI: Ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành

Chi phí tiền điện chiếm khoảng 2% tổng chi phí sản xuất của VTI, việc tăng giá điện lần này chắc chắn ảnh hưởng đến giá thành của công ty do chi phí năng lượng sử dụng trong quá trình sản xuất tăng. Bên cạnh đó, do đặc thù của sản phẩm ngành này phụ thuộc rất nhiều vào giá thép nguyên liệu (VTI là nhà chuyên sản xuất và cung cấp các giải pháp vách trần và vách ngăn được ưa chuộng nhất ASEAN) nên trong cơ cấu chi phí giá thành của VTI, nguyên vật liệu thép chiếm 90%.

Việc tăng giá điện sẽ kéo giá nguyên liệu thép đầu vào tăng theo nên sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công ty. Hiện tại công ty đang triển khai tích cực các biện pháp dự án tiết kiệm năng lượng tại công ty nhằm hạn chế tối đa chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất trong tình hình chi phí sản xuất liên tục thay đổi và có xu hướng tăng cao.

  • Tổng giám đốc Công ty TNHH SX bao bì giấy Việt Trung ĐỖ THANH HÙNG: Tăng giá dây chuyền

Tôi lo ngại về hiện tượng tăng giá dây chuyền. Khi hiện tượng này xảy ra, không chỉ doanh nghiệp gặp nhiều thách thức mà đời sống người lao động và người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh việc tìm mọi giải pháp tiết kiệm, tăng năng suất lao động, Việt Trung lại tiếp tục tính đến việc tăng lương cho CBCNV, cùng phấn đấu và đoàn kết vượt qua thử thách.

Chúng tôi đồng tình với việc tăng giá điện nhưng phải có lộ trình và mức tăng chỉ trên dưới 5%. Bởi hiện nay các doanh nghiệp trong nước vừa trải qua khủng khoảng kinh tế, trong khi sức ép lãi suất, tỷ giá đang biến động theo chiều hướng tăng cao đang là gánh nặng rất lớn.

Lạc Phong – Lan Hương

Nếu tăng giá điện 18%, CPI có thể tăng trực tiếp khoảng 0,45%

(SGGP).- Hôm qua 15-2, Bộ Tài chính đã có cuộc họp với các đơn vị trong bộ để bàn về các giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2011 của ngành. Trong cuộc họp này, vấn đề điều hành giá cả, trong đó có việc tăng giá điện cũng  được đề cập. Dự kiến phương án tăng giá điện thêm khoảng 18% của Bộ Công thương nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, do tỷ giá vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh đã có thay đổi tăng so với dự kiến phương án trước đó nên Bộ Công thương sẽ tính toán lại theo tỷ giá hiện hành cũng như các khoản chi phí liên quan như đầu vào, nguồn điện mua ngoài…

Dự kiến trong vài ngày tới, phương án tăng giá điện sẽ chính thức trình lên Chính phủ. Theo tính toán sơ bộ của một quan chức Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng khoảng 18%, chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể tăng trực tiếp khoảng 0,45%. Những ngành quan trọng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng giá điện gồm thép, xi măng, phân bón...

N.Quang

Tin cùng chuyên mục