Doanh nghiệp “gồng” mình chống tăng giá

Doanh nghiệp “gồng” mình chống tăng giá

* Giá xăng tăng 2.900 đồng/lít

Hôm qua (24-2), Bộ Tài chính đã có công văn cho phép doanh nghiệp được tăng giá bán xăng, dầu. Mức tăng mặt hàng này được nhìn nhận là mạnh nhất từ trước đến nay. Cụ thể, giá xăng tăng thêm 2.900 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít; diesel tăng 3.550 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít; dầu hỏa tăng 3.100 đồng/lít lên 18.200 đồng/lít; giá dầu mazut tăng 2.110 đồng/kg lên 14.800 đồng/kg.

Người dân đổ xăng bình thường sau khi điều chỉnh giá xăng. Ảnh: KIM NGÂN

Người dân đổ xăng bình thường sau khi điều chỉnh giá xăng. Ảnh: KIM NGÂN

Doanh nghiệp bù lỗ hàng chục triệu đồng/ngày

Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc hãng Taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, tính toán: “Theo tôi, thời điểm hiện nay, khi tỷ giá đô la liên ngân hàng và giá điện vừa mới được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép điều chỉnh tăng, nay cộng thêm giá xăng, dầu điều chỉnh với mức tăng lớn quả là một cú “sốc” đối với người dân và các đơn vị doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Với doanh nghiệp của chúng tôi hiện nay có đến 4.000 xe, với mức giá xăng tăng 2.900 đồng/lít, bình quân mỗi ngày phải bù lỗ từ 28 - 30 triệu đồng (chỉ tính riêng chi phí nhiên liệu xăng). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dự kiến, mức giá cước taxi mà chúng tôi đang nghiên cứu xin điều chỉnh tăng trong thời gian tới có khả năng hơn 10% (so với giá cũ). Tức là tăng khoảng 1.000 đồng/km”.
 
Bà Phạm Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Âu Châu, rầu rĩ: “Do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa cho khách hàng bằng xe container nên các hợp đồng vận chuyển đều được ký kết trước nên giá cước vận chuyển được tính từ thời điểm ký hợp đồng. Vì thế, với việc giá xăng, dầu điều chỉnh với mức tăng cao như hiện nay sẽ khiến cho doanh nghiệp phải bù lỗ. Hiện tại, chúng tôi phải “gồng” mình chống chọi với lần tăng giá này và chờ đến đầu tháng để thương lượng, thỏa thuận với đối tác xin điều chỉnh mức giá cước tăng”.
 
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế và không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì phải điều chỉnh giá hiện hành tăng thêm đối với xăng: 6.493 đồng/lít; diesel: 6.260 đồng/lít; dầu hỏa: 6.692 đồng/lít; mazut: 4.334 đồng/kg. Với mức điều chỉnh trên, giá xăng trong nước vẫn thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 5.100 đồng/lít và của Campuchia khoảng 4.200 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng như trên sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1: 0,65% (chưa tính được tác động của vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý). Sau bước điều chỉnh trên, từ quý 2 trở đi tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước: nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện).

Giá cước vận tải có thể tăng 15% - 20%

Trước những biến động của thị trường, các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không đều rục rịch tăng giá cước.

Chiều 24-2, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo tính toán của hiệp hội, mức tăng giá xăng, dầu lần này sẽ khiến chi phí vận tải nói chung tăng ít nhất 10%, cộng với các chi phí tác động gián tiếp như: lãi suất ngân hàng, giá điện… có thể đẩy giá cước vận tải trong thời gian tới tăng khoảng 15% - 20%.

Theo quy định, các doanh nghiệp vận tải cần 7 - 10 ngày để thực hiện việc tăng giá vé, bao gồm làm phương án kê khai báo cáo với cơ quan thuế, in lại vé, chỉnh lại đồng hồ tính cước… Như vậy, việc tăng giá cước vận tải có thể diễn ra trong đầu tháng 3-2011.
 
Cũng trong ngày 24-2, một số doanh nghiệp taxi ở Hà Nội đã ban hành quyết định hỗ trợ bù lỗ cho lái xe tiền xăng phụ trội và họp bàn xem xét tăng giá, mức tăng dự kiến dao động 15% - 20%.

Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, do những biến động về thị trường, giá cước vận tải đường sắt dự kiến sẽ được điều chỉnh từ 1-4-2011 với mức tăng giá vé khoảng 25%. Tuy nhiên, việc tăng giá vé ở mức cao nhất chỉ áp dụng với những mác tàu cao SE1-2, SE3-4 và ở các chặng đường có đông khách đi tàu như Hà Nội - Quảng Bình - Huế - Đà Nẵng - Nha Trang và ngược lại.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific... cũng vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam đề nghị nâng mức giá trần vé máy bay. Theo đó, Jetstar Pacific đề nghị nâng trần giá vé máy bay cao nhất lên 4 triệu đồng/lượt và áp dụng dải giá gồm vài chục loại khác nhau.

Trong khi đó, Vietnam Airlines chỉ kiến nghị áp mức cao nhất là 2,4 triệu đồng/chiều (mức trần giá vé máy bay trên đường trục Hà Nội - TPHCM chưa đến 2,1 triệu đồng/vé/chiều, đã bao gồm thuế và phí).

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục