Du lịch làng nghề: Dậm chân tại chỗ

Cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề với hàng trăm loại hình nghề phong phú khác nhau. Từ lâu, các địa phương đã bắt tay vào xây dựng mô hình “du lịch làng nghề” vì có tiềm năng rất lớn, nhưng cho tới nay số làng nghề trở thành địa chỉ tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Du lịch làng nghề: Dậm chân tại chỗ

Cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề với hàng trăm loại hình nghề phong phú khác nhau. Từ lâu, các địa phương đã bắt tay vào xây dựng mô hình “du lịch làng nghề” vì có tiềm năng rất lớn, nhưng cho tới nay số làng nghề trở thành địa chỉ tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đìu hiu

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay những địa phương có nhiều làng nghề hơn cả là Hà Nội (bao gồm cả phần Hà Tây cũ), Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai và TPHCM.

Chỉ riêng tại Hà Nội đã có hơn 1.300 làng nghề, trong đó trên 200 làng đã được công nhận làng nghề truyền thống, làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất đẹp mắt, có giá trị cao, cuốn hút du khách như dệt lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, nung gốm Bát Tràng, thêu ren Quất Động, mây tre Phú Nghĩa… Đặc biệt, Hà Nội còn có cả những làng nghề “lạ mắt” như làng chuyên tạc tượng gỗ Sơn Đồng, làng múa rối nước Phú Bình, làng làm quạt giấy Chàng Sơn, sơn mài Hạ Thái… Còn tại vùng đất Bắc Ninh, quê hương của quan họ, nơi đứng thứ hai về số lượng làng nghề với hơn 1.000 địa chỉ, có những làng nghề đã xây dựng được thương hiệu trên phạm vi cả nước như tranh Đông Hồ, đồ gỗ Đồng Kỵ, rượu Vân Hà, gốm da lươn Phù Lãng…

Từ lâu, các làng nghề truyền thống luôn là địa chỉ kỳ thú, chứa đựng nhiều nét mới lạ trong lòng du khách nước ngoài khi đặt chân tới Việt Nam. Những món quà mang nét đặc trưng bản địa mà du khách có thể mua, có lẽ đều do các làng nghề làm ra. Ngay cả nhiều du khách trong nước cũng tâm sự, họ rất thích thú với các tour tham quan du lịch tại làng nghề trong nước. Số làng nghề nhiều như vậy, nhưng cho tới nay, ở miền Bắc, những làng nghề đã khẳng định được chỗ đứng trong làng du lịch mới chỉ là lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, tranh dân gian Đông Hồ. Một vài làng nghề khác cũng có khách nhưng theo các nghệ nhân của làng tâm sự: “chỉ năm thì mười họa”, còn lại phần lớn vắng khách.

Ở miền Trung cũng tương tự. Các điểm du lịch làng nghề mà du khách cả trong và ngoài nước hiện đang biết tới cũng chỉ là làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), làng làm đèn lồng Hội An (Quảng Nam)…

Do có quá ít địa chỉ tham quan nên các tour du lịch làng nghề cũng nhàm tẻ, du khách chỉ đến một lần rồi thôi.

Nông dân cần học cách làm du lịch

Để nhân rộng các mô hình du lịch làng nghề giống như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, tại thủ đô Hà Nội, từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành quy hoạch và phê duyệt một loạt dự án xây dựng các điểm du lịch làng nghề truyền thống như mây tre đan Phú Nghĩa, thêu ren Quất Động, tạc tượng Sơn Đồng, khảm trai Chuyên Mỹ…

Nhiều làng nghề cho rằng, do xa trung tâm thủ đô, giao thông chưa thuận tiện nên khó thu hút khách. Do đó, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường dẫn từ quốc lộ vào làng nghề, nhà chợ, nhà trưng bày triển lãm. Điển hình như làng mây tre đan Phú Nghĩa, từ năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và Sở Du lịch Hà Tây đã đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường, xây nhà triển lãm… nhưng cho tới nay vẫn vắng hoe du khách.

Làng nghề mây tre Phú Nghĩa thuộc xã Phú Vinh (Chương Mỹ-Hà Nội) từ năm 2002 đã được quy hoạch làng nghề du lịch nhưng cho tới nay vẫn chưa hấp dẫn du khách.

Làng nghề mây tre Phú Nghĩa thuộc xã Phú Vinh (Chương Mỹ-Hà Nội) từ năm 2002 đã được quy hoạch làng nghề du lịch nhưng cho tới nay vẫn chưa hấp dẫn du khách.

Nhiều làng nghề khác, dự án hiện vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí chỉ kịp treo lên tấm biển “địa điểm du lịch làng nghề”, sau đó để hoen ố bởi nắng mưa, và không có bóng dáng một khách du lịch nào. Nguyên nhân là do việc đầu tư không đồng bộ, không rõ cơ chế triển khai, hoặc dự án triển khai dở dang. Trong khi các dự án chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng thì người dân làng lại không được tập huấn các kỹ năng làm du lịch, bà con phải tự loay hoay mày mò.

Chị Bùi Thúy Vinh, một chủ cơ sở mây tre đan ở làng nghề Phú Nghĩa, chia sẻ: “Ở đây chúng tôi đều hiểu nếu kéo được khách du lịch tới thăm làng nghề thì không những bán được nhiều hàng mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của làng mình nữa, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu?”. Còn tại Bắc Ninh, các điểm du lịch làng nghề vẫn do các nghệ nhân mày mò, xây dựng các tour đón khách, còn các cơ quan chức năng chưa vào cuộc.

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Hà Nội, cũng thừa nhận rất nhiều làng nghề truyền thống có những sản phẩm độc đáo nhưng chúng ta chưa khai thác được, không thu hút được du khách. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các ngành có liên quan như công thương, nông nghiệp, nông thôn, văn hóa và du lịch cần phải phối hợp mới làm được.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, việc đầu tiên là phải quy hoạch lại các làng nghề trở thành điểm tham quan du lịch, sau đó đào tạo cho nông dân kỹ năng làm du lịch, doanh nghiệp lữ hành và các làng nghề cần hợp tác chặt chẽ để thiết lập nên các tour tham quan làng nghề.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục