Cần công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn thắc mắc về một số nội dung không phù hợp tại công văn số 8819/BTC-TCT ngày 29-7-2008 của Bộ Tài chính làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, cụ thể như sau: Công văn này hướng dẫn xử lý đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản cố định (TSCĐ) khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (trong đó có cổ phần hóa), góp vốn liên doanh, chia tách, hợp nhất, sáp nhập.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn thắc mắc về một số nội dung không phù hợp tại công văn số 8819/BTC-TCT ngày 29-7-2008 của Bộ Tài chính làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, cụ thể như sau: Công văn này hướng dẫn xử lý đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản cố định (TSCĐ) khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (trong đó có cổ phần hóa), góp vốn liên doanh, chia tách, hợp nhất, sáp nhập.

Theo điều 5 Luật Doanh nghiệp quy định: “Bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh”, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Tuy nhiên, tại công văn số 8819, khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản cố định đối với doanh nghiệp Nhà nước thì được ghi nhận vào TSCĐ và trích khấu hao theo quy định; đồng thời phần chênh lệch này được ghi tăng vốn (vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Trong khi đó, đối với doanh nghiệp khác không phải doanh nghiệp nhà nước thì công văn 8819 hướng dẫn “Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn liên doanh được phân bổ vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo thời gian sử dụng còn lại của TSCĐ. Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp”.

Như vậy, phần chênh lệch đánh giá lại TSCĐ đối với doanh nghiệp khác không phải doanh nghiệp nhà nước phải đưa vào thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Như vậy rõ ràng có sự phân biệt đối xử giữa DNNN và doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước, trái với mục tiêu của nhà nước khi ban hành Luật Doanh nghiệp là hợp nhất các luật quy định về doanh nghiệp, xóa bỏ phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Hướng dẫn trên gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, làm mất vốn của doanh nghiệp hay không cho doanh nghiệp bảo toàn vốn.

Ngoài ra công văn này còn hướng dẫn “Cơ sở kinh doanh sẽ được trích khấu hao tính vào chi phí hợp lý theo nguyên giá của TSCĐ đánh giá lại”. Theo nhiều doanh nghiệp hướng dẫn này không cụ thể và không rõ ràng khi dùng từ “sẽ” vì văn bản không có thời hạn cụ thể khi nào sẽ được trích khấu hao tính vào chi phí hợp lý theo nguyên giá của TSCĐ đánh giá lại.

Thiết nghĩ Bộ Tài chính cần xem xét và điều chỉnh những điều chưa phù hợp trong công văn số 8819/BTC-TCT do bộ này ban hành. Hoặc chí ít cũng cần có những giải thích cụ thể, rõ ràng vì sao có sự phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp, tránh những thắc mắc, bức xúc không cần thiết từ phía doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước.

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục