Du lịch đường thủy - Tàu chìm, người chìm... áo phao nổi!

(SGGPO).- Hoạt động chủ yếu mang tính chất tự phát, thiếu quy chuẩn trong đăng kiểm, đội ngũ lao động không có kiến thức, thiếu những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, bến bãi… đó là những kẽ hở được đưa ra bàn thảo trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý hoạt động du lịch đường thủy được Bộ VH-TT-DL, Bộ GTVT phối hợp tổ chức chiều 1-6.

Theo Tổng cục Du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch bằng các phương tiện thủy nội địa mới phát triển trong vài năm gần đây. Qua thống kê sơ bộ do các sở VH-TT-DL báo cáo, nếu trước năm 2001, số lượng tàu, thuyền hoạt động trong lĩnh vực du lịch chỉ có vài trăm chiếc thì đến nay con số này đã lên đến khoảng 10.000. Trong số đó, lưu trú có 173 chiếc, vận chuyển có 9.707 chiếc, nhà hàng 120 chiếc.

Nhà hàng nổi và tàu thuyền vận chuyển khách du lịch hầu hết các tỉnh, thành phố đều có, riêng tàu lưu trú du lịch chỉ tập trung ở 6 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế và Tuyên Quang. Các tàu trọng tải lớn trên 100 CV (mã lực) dần thay thế những tàu có công suất nhỏ 25 - 30 CV phổ biến trước đây. Tàu thuyền du lịch trước đây chỉ đơn thuần phục vụ chở khách tham quan trong ngày thì đến nay xuất hiện nhiều tàu ngủ đêm kèm theo đó là các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí (như hát karaoke, khiêu vũ, dạy nấu ăn, massage…) trên những con tàu này.

Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến thời điểm này tiêu chí xét đăng kiểm của tàu du lịch hay tàu chở khách vẫn như nhau.

Cùng chung quan điểm này, đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thiết kế các tàu du lịch hiện nay rất có vấn đề. Ví dụ như các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, phần lớn được thiết kế theo hướng tận dụng chiều cao để tạo không gian cho khách du lịch trong khi mớn nước, một trong những yếu tố đảm bảo độ an toàn của tàu lại bị bỏ qua. Thêm nữa, các chủ phương tiện thường chỉ tập trung đầu tư hình thức buồng phòng trên tàu mà lại quên tới yếu tố an toàn phòng cháy chữa cháy khi sử dụng nhiều vật dụng không có độ bền nhiệt cao… với lý do không có quy định nào bắt buộc.

Theo ông Nguyễn Anh Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy trong lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này có nhiều yếu tố mới khiến hệ thống văn bản pháp luật nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế. Không chỉ dừng lại ở vấn đề chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc mà ngay cả công tác tuyên truyền cũng chưa tốt. Chính vì thế đã xảy ra những hình ảnh rất đau lòng “tàu chìm, người chìm… áo phao nổi” trong vụ tai nạn tàu Dìn Ký mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về ý thức của người tham gia phương tiện giao thông đường thủy.

Theo bà Nguyễn Hoàng Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cần sớm quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp và các địa phương, đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát, khi phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật thì kiên quyết xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng “phạt cho tồn tại”. Đối với các loại tàu, thuyền phục vụ khách du lịch, yêu cầu về đăng kiểm phương tiện cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng cả về định tính và định lượng.

Hội nghị kết thúc với rất nhiều kế hoạch nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực du lịch đường thủy trong thời gian tới ra như thành lập các đội kiểm tra liên ngành; bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan tới phương tiện, bến bãi… phục vụ du lịch đường thủy; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với các nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy: thuyền viên, nhân viên phục vụ buồng, phòng, đầu bếp… hướng dẫn viên du lịch trên đường thủy… để không xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như trong thời gian qua. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục