Sổ tay

Doanh nghiệp “chết”, có đáng lo?

Trong một hội nghị gần đây, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có đưa ra một ví von thú vị. Đại ý, doanh nghiệp (DN) Việt thường chịu đựng khó khăn rất giỏi, khả năng “sống” rất dai. Giống như những cây cỏ trong bão, chỉ rạp xuống rồi lại bật lên, trong khi nhiều đại thụ lớn trên thế giới dễ gãy đổ hơn.

Thực tế không hoàn toàn tươi sáng như thế. Tuy chưa thống kê đầy đủ trên phạm vi cả nước, nhưng riêng tại hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TPHCM, số DN xin giải thể thời gian qua đã tăng đột biến (khoảng 500 DN đăng ký giải thể trong hai tháng đầu năm 2012 và con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều), trong khi số DN đăng ký thành lập mới không nhiều. Lưu ý rằng, trong một nền kinh tế thị trường thì chuyện DN thành lập mới hay giải thể là chuyện rất bình thường, có ý kiến cho rằng, không nên quá lo lắng về số DN giải thể.

Bỏ qua trường hợp cố ý xin giải thể vì một mục đích riêng nào đó, nhìn chung chỉ có các DN yếu kém mới phải “chết”. Nói một cách thẳng thừng, theo quan điểm này, thà “chết sớm” để rồi chờ có cơ hội “tái sinh” ở dạng thức khác, có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường, còn hơn sống mòn để trông chờ vào những gói cứu trợ nào đó – rất có thể không bao giờ có.

Đại diện nhiều định chế tài chính, các nhà tài trợ nước ngoài cũng đã từng khuyến nghị Việt Nam kiên trì chữa dứt lạm phát, cho dù phải dùng kháng sinh liều cao, gây mệt mỏi cơ thể trong thời gian trước mắt… Từ phía mình, nhiều DN cũng không chỉ ngồi đợi mà đã sẵn sàng chịu đau để tái cấu trúc, thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải thế mạnh, thậm chí tái cơ cấu bộ máy quản lý…

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Liệu môi trường đầu tư, kinh doanh hiện nay đã thực sự cung cấp đầy đủ “chất dinh dưỡng” cho DN hay chưa? Hãy bắt đầu từ khâu ít tốn kém nhất là xây dựng các văn bản pháp luật minh bạch, hợp lý và dễ thực thi.

Ông Vũ Văn Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cho biết, những thay đổi chính sách nhiều khi có thời hạn thực thi quá gần, khiến DN khó xoay trở kịp. Ví dụ như Nghị định 51/2010 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011, nhưng từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn đến thời điểm Nghị định có hiệu lực chỉ 3 tháng. “Ở nhiều nơi mất thêm một tháng nữa để Thông tư này “đi” xuống Cục Thuế địa phương rồi từ đó triển khai xuống DN. Hai tháng là quá ngắn cho một thay đổi như vậy”, ông nói.

Còn Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA của liên Bộ Tài chính, Thương mại (nay là Bộ Công thương) và Công an hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường được coi là ví dụ cụ thể về tình trạng nghị định đã “chết” mà thông tư hướng dẫn vẫn “sống”, vì tất cả các nghị định làm căn cứ để ban hành thông tư này đều đã hết hiệu lực pháp luật. DN sẽ hết sức lúng túng trước những quy định kiểu này, đồng thời đối diện với nguy cơ phải “lụy” nhà chức trách!

Khỏi phải nói rằng ở khâu xây dựng pháp luật đã vậy thì thực thi pháp luật còn nhiều vướng mắc hơn! Riêng trong lĩnh vực thuế và thủ tục hải quan, Bản dự thảo kiến nghị của VINASME về đổi mới chính sách thương mại (gửi Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ cùng hàng loạt bộ ngành hữu quan khác) đã dành tới hàng chục trang…

Vẫn biết việc DN ra đời hay giải thể là động thái tự nhiên của nền kinh tế thị trường, nhưng điều cần đảm bảo là môi trường kinh doanh phải thực sự là mảnh đất tốt để một hạt giống khỏe, được gieo đúng thời điểm, được chăm sóc đúng cách có thể mọc thành cây vững chãi và cho quả ngọt.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục