Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Gỡ khó để tăng niềm tin

Trước thềm Hội nghị Tư vấn Các nhà Tài trợ
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Gỡ khó để tăng niềm tin

Trước thềm Hội nghị Tư vấn Các nhà Tài trợ (CG) giữa kỳ, ngày 29-5, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2012 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Nhiều vướng mắc liên quan đến môi trường kinh doanh do cộng đồng doanh nghiệp (DN) nêu ra đã được đại diện các bộ ngành liên quan giải đáp, qua đó tìm ra tiếng nói chung để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Nhiều thách thức

Mặc dù trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, nền kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế vĩ mô, nhưng những khó khăn gần đây trong hoạt động sản xuất kinh doanh đang đặt ra nhiều quan ngại đối với cộng đồng DN. Trong năm 2011 và đặc biệt những tháng đầu năm 2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có chiều hướng xấu đi, đặc biệt các chỉ số về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc và số lượng lao động.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh VBF, cho biết theo một điều tra mới đây của VCCI, mức độ lạc quan của DN về triển vọng kinh doanh năm 2012 đã xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Còn theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong khi các DN châu Âu kiên nhẫn và vẫn hy vọng vào sự phát triển trong dài hạn của Việt Nam, thì lòng tin của họ đã có chiều hướng suy giảm từ đầu năm 2011.

Kết quả điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham tại Việt Nam cho thấy trong năm 2011 BCI đã giảm từ 70 xuống 53 điểm và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại khi chọn Việt Nam để đầu tư trong ngắn hạn.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Yếu tố cạnh tranh trong hội nhập kinh tế cũng là một thách thức được đặt ra tại VBF lần này. Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại của VBF, nói rằng các DN sản xuất hàng xuất khẩu đầu tư tại Việt Nam “đang hồi hộp chờ xem Myanmar sẽ hội nhập vào cộng đồng quốc tế nhanh như thế nào”.

Theo nhận định của các DN, nếu như Myanmar sớm có được quy chế tối huệ quốc (MFN) tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, khả năng cạnh tranh của quốc gia này trong lĩnh vực may mặc, giày dép và đồ nội thất có thể nhanh chóng vượt qua Việt Nam, dẫn tới việc Việt Nam có thể mất hàng triệu việc làm trong một vài năm tới. “Chúng ta cần sớm thực hiện lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam để đáp ứng tình hình thay đổi nhanh chóng này” - ông Fred Burke nói.

Tháo điểm nghẽn về môi trường kinh doanh

Vấn đề được đại diện các hiệp hội DN quan tâm tại VBF là tháo gỡ khó khăn trước mắt cho hoạt động sản xuất kinh doanh. TS Vũ Tiến Lộc đề nghị cần xem xét mở rộng phạm vi và quy mô giảm, giãn, hoãn thuế GTGT. Qua đó DN có thể giảm giá, kích thích tiêu thụ, giải quyết hàng tồn kho. Trên cơ sở kiềm chế lạm phát, có thể đẩy nhanh hơn tiến độ hạ lãi suất, giúp DN có nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nên thực hiện lộ trình hợp lý, tránh tăng dồn dập các loại phí, giá các loại nguyên liệu cơ bản đầu vào như điện, than, xăng dầu… Cộng đồng DN cũng mong muốn Chính phủ đẩy nhanh quá trình giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống còn 20% để nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong khi đó, đại diện EuroCham cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện sức hấp dẫn trong dài hạn của thị trường Việt Nam. “Thực tế, sự khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang tiếp diễn. Đây là những vấn đề cần sớm được cải thiện để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư” - ông Preben Hjortlund nhận định.

Đánh giá cao chuyển biến tích cực về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, ông Louis Taylor, Trưởng nhóm Công tác ngân hàng của VBF, cho rằng mặc dù trải qua thời kỳ rất khó khăn nhưng niềm tin vào hệ thống ngân hàng vẫn được duy trì. Ông Louis Taylor lưu ý rằng, một số quy định gần đây trong chính sách tiền tệ mang tính hành chính chỉ nên áp dụng tạm thời, về lâu dài cần dựa trên cơ chế thị trường.

Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, cho biết trong thời gian tới chính sách tiền tệ sẽ được điều hành linh hoạt để kiểm soát lạm phát, hạ dần mặt bằng lãi suất. Khi điều kiện thị trường ổn định, sẽ dỡ bỏ các biện pháp hành chính như trần lãi suất. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngành ngân hàng sẽ có các biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ… cho các DN, nhất là các DN có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Liên quan đến kiến nghị bãi bỏ mức khống chế chi phí khuyến mại quảng cáo các DN đưa ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết vấn đề này đã được xác định theo lộ trình và sẽ được tháo gỡ dần.
 

 “Hiện Quốc hội đã đồng ý sẽ đưa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vào kế hoạch sửa đổi, bổ sung. Tiếp đó, những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng và giáo dục đang được thực hiện nghiêm túc. Khi các điểm yếu này được tháo gỡ, tôi tin rằng, niềm tin của nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài sẽ tăng lên”

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh

 

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục