2 năm thực hiện chuyển dịch kinh tế tại TPHCM

Tập trung các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Xây dựng và triển khai 46/72 chương trình, đề án
Tập trung các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2012 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM (gọi tắt là chương trình chuyển dịch kinh tế) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX. Sau 2 năm thực hiện, nội bộ các ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, dần hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao.

Sản xuất khô cá bò xuất khẩu tại Công ty cổ phần TM-DV Cần Giờ. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất khô cá bò xuất khẩu tại Công ty cổ phần TM-DV Cần Giờ. Ảnh: Cao Thăng

Xây dựng và triển khai 46/72 chương trình, đề án

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, năm 2012 là năm bản lề để TPHCM tiếp tục thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong 5 năm 2011-2015. Để đạt được mục tiêu trong giai đoạn này, TP đã tập trung vào công tác giám sát, đánh giá để định hướng kinh tế TP phát triển đúng định hướng trong các năm tiếp theo, đồng thời thúc đẩy quá trình hoàn thành các chương trình, đề án cũng như yêu cầu các sở, ngành triển khai sâu rộng các chương trình, đề án đã hoàn thành đến các doanh nghiệp (DN) và người dân. Đẩy mạnh công tác tổ chức hội nghị, hội thảo của các quận, huyện để hỗ trợ thông tin về quy hoạch, đầu tư đến các DN. Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận, huyện nắm bắt tình hình, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của DN, thông tin đến DN chương trình kích cầu của Chính phủ; chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn TP; tổ chức chương trình đối thoại DN về lĩnh vực thuế, đầu tư nhằm thông tin kịp thời đến các DN, từ đó góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp DN vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển.

Kết quả, trong năm 2012, TPHCM đã xây dựng và triển khai thực hiện 46/72 chương trình, đề án. Dự kiến, đến cuối quý 3-2013 sẽ hoàn thành các chương trình, đề án của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trừ một số chương trình có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản như Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiên, Dự án Khu đô thị mới Nam thành phố, Dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Dự án Trung tâm công nghệ sinh học, Dự án Trung tâm thủy sản thành phố, Dự án Trung tâm Giao dịch - Triển lãm nông sản TP.

Ngoài ra, UBND TPHCM đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó quy định cụ thể quy chế làm việc của từng chức danh và chế độ báo cáo, khen thưởng trong quá trình triển khai thực hiện. Định kỳ hàng quý, Ban chỉ đạo đã tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, đề án cụ thể, tham mưu các chính sách mới cho TP.

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp

Nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP, trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ngoài các chính sách đã ban hành, năm 2013, TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế TP do Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì để định hướng thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc đối với mỗi ngành, lĩnh vực cụ thể. Các sở, ngành sớm có tờ trình UBND TP xem xét, quyết định về cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển ngành, lĩnh vực do đơn vị phụ trách để hỗ trợ các DN ổn định phát triển.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông qua việc tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013. Thực hiện công khai minh bạch, hướng dẫn rõ ràng và thường xuyên cập nhật thông tin, quy trình thủ tục theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN dễ thực hiện. Giải quyết tốt mối quan hệ giao dịch giữa các cơ quan hành chính với tổ chức, công dân và DN. Phân định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với trách nhiệm của tập thể; thu gọn đầu mối quản lý, phân cấp quản lý mạnh hơn và đồng bộ theo hệ thống ngành dọc, theo vùng lãnh thổ, giữa cấp TP và chính quyền cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm vừa bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất vừa phát huy tính chủ động sáng tạo của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện.  

Hàng quý, UBND các quận, huyện phải tổ chức ít nhất 2 cuộc gặp gỡ DN trên địa bàn để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cũng như thông tin, hướng dẫn DN tiếp thu các cơ chế chính sách của địa phương và trung ương.

Để đạt được mục tiêu này, UBND TP sẽ giao các đơn vị chủ trì các chương trình, đề án phải hoàn thành trong quý 2-2013 nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 sau khi được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng TP và quy hoạch vùng.

Tập trung thống nhất quản lý về quy hoạch, đồng thời tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch; công tác quản lý đô thị theo quy hoạch thông qua việc công bố công khai quy hoạch được duyệt, đồng thời rà soát và minh bạch hóa danh mục các lĩnh vực, địa bàn thuộc diện cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Tăng cường công tác xây dựng và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu. Tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện sau khi dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được phê duyệt.

Theo nhận định của UBND TPHCM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một chương trình mang tính tổng hợp. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của UBND TP, các sở, ngành thì cần có sự phối hợp của DN và sự hỗ trợ từ trung ương trong việc ban hành các chính sách, cơ chế cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục