Tư vấn kinh tế - pháp luật

- Doanh nghiệp chúng tôi hiện thừa 58 người lao động (trong tình trạng không có việc để làm), nhưng tôi không muốn chấm dứt hợp đồng lao động với họ vì sẽ cần số lao động này trong thời gian ngắn sắp tới. Xin cho biết liệu tôi có thể cho doanh nghiệp khác thuê lại số lao động này được không? Nếu được thì cần phải làm thủ tục gì?

Nguyễn Lan Phương, quận 8, TPHCM

>> Cho thuê lại lao động là quy định hoàn toàn mới của BLLĐ 2012. Cụ thể theo quy định tại Điều 53 BLLĐ này thì cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định. Như vậy, theo các quy định trên thì việc doanh nghiệp của chị tuyển dụng lao động để sử dụng và tạm thời nhàn rỗi không thể đem cho doanh nghiệp khác thuê lại vì để làm được điều này thì doanh nghiệp của chị phải được đăng ký kinh doanh với hoạt động cho thuê lại lao động. Hơn nữa, không phải tất cả các lĩnh vực hoạt động lao động đều có thể cho thuê, các lĩnh vực công việc được cho thuê cần phải chờ hướng dẫn cụ thể của Chính phủ.

- Tôi thấy trên thực tế có lúc người lao động được ký hợp đồng lao động, có lúc lại được ký hợp đồng làm việc. Xin hỏi là loại hợp đồng nào mới đúng quy định của pháp luật?

Nguyễn Quốc Bình, quận 2, TPHCM

>> Theo quy định tại Điều 15 BLLĐ 2012 thì “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”. Còn theo quy định tại Điều 1 Luật Viên chức 2011 thì “Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên”.

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Như vậy, theo các quy định đã trích dẫn ở trên thì hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc áp dụng cho các đối tượng hoàn toàn khác nhau. Hợp đồng làm việc áp dụng cho viên chức được tuyển dụng vào làm việc trong biên chế nhà nước còn hợp đồng lao động áp dụng cho người lao động làm công ăn lương tại các đơn vị sử dụng lao động thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lao động.

TS Đoàn Thị Phương Diệp
(Khoa Luật - ĐH Kinh tế Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM. Email: hanni@sggp.org.vn. ĐT: (08) 39294072 - 0903.975323

Tin cùng chuyên mục