Công ty Mua bán nợ - Giải pháp tiếp vốn nền kinh tế

Phù hợp thực tế
Công ty Mua bán nợ - Giải pháp tiếp vốn nền kinh tế

Công ty Mua bán nợ (VAMC) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị thành lập từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII với mục tiêu hỗ trợ xử lý các khoản nợ xấu hiện đang có trong hệ thống ngân hàng (NH) và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7-2013. Việc cho ra đời VAMC được đánh giá là giải pháp tốt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp vay vốn sản xuất tại một ngân hàng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Doanh nghiệp vay vốn sản xuất tại một ngân hàng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Phù hợp thực tế

Tôi cho rằng, trong nỗ lực làm sạch nợ xấu thì việc thành lập VAMC là một giải pháp tốt giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) xử lý nợ nhanh hơn, sớm hơn; nợ xấu sẽ chuyển từ khối NH sang VAMC để tạo điều kiện cho vốn chảy ra, đến được với doanh nghiệp (DN).

Có thể nói, đây chưa phải là phương án hoàn toàn tốt 100%, nhưng trong điều kiện hiện nay là phương án phù hợp nhất. Có ý kiến cho rằng, số vốn 500 tỷ đồng mà VAMC được cấp chỉ “như muối bỏ bể” so với nợ xấu tồn đọng trong thị trường bất động sản (BĐS), nhưng theo tôi không thể cầu toàn, phải căn cứ vào nguồn lực mà chúng ta có thể thu xếp được. VAMC cũng không mua lại tất cả các khoản nợ xấu mà sẽ chọn lọc ra để xử lý. Nguồn lực hữu hạn thì phải tính chuyện dùng thế nào cho hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, cũng không nên quá “dị ứng” với cái gọi là “nợ xấu” trong BĐS. Theo tôi biết, nợ xấu nằm trong BĐS chỉ ở trong khoảng 7% - 8% tổng nợ xấu, tức là không phải quá nhiều so với tổng nợ xấu.

Kết hợp nhiều giải pháp

Cần nói rõ, không nên kỳ vọng quá lớn vào VAMC mà phải có nhiều giải pháp đồng bộ khác, cộng với nỗ lực từ các ngành, các cấp. Từ ngày 1-6, gói hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp mua nhà 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ đã chính thức được triển khai, đấy cũng là giải pháp tạo cú hích cho thị trường BĐS; tạo hiệu ứng lan tỏa, sưởi ấm nhiều lĩnh vực khác nữa.

Theo quy định, VAMC sẽ mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo 2 phương án, trong đó có phương án mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty này phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VNĐ, thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất 0%; có thể sử dụng để vay tái cấp vốn từ NHNN.

Tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt phải trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động theo tỷ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi được mua lại từ VAMC. Như thế, có thể thấy việc này phải do NHNN chủ trì, bơm tiền ra hút tiền vào như thế nào là do NHNN quyết định cụ thể trên cơ sở Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng; do đó sẽ đảm bảo an toàn tài chính.

Ngân hàng có nợ xấu phải chịu trách nhiệm chính

Theo quy định của Nghị định 53, trái phiếu của VAMC có thời hạn 5 năm, mỗi năm NH bán nợ phải trích lập 20% cho trái phiếu. Sau 5 năm, khi hết hạn hoặc đã trích lập dự phòng đủ số nợ xấu và nếu nợ xấu chưa được VAMC xử lý (không bán được) thì tổ chức tín dụng phải mua lại nợ xấu từ VAMC bằng chính trái phiếu mà VAMC phát hành. VAMC chỉ đóng vai trò là một cơ chế hỗ trợ các NHTM trong việc giãn thời gian trích lập dự phòng nợ xấu và làm “sạch” bảng cân đối kế toán, rủi ro của các khoản nợ xấu và trách nhiệm trích lập dự phòng vẫn thuộc về NH.

Cũng nhờ đó, những NH mất khả năng thanh khoản trầm trọng do nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại. Mỗi năm họ chỉ phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu trong vòng 5 năm thay vì phải trích lập dự phòng ngay lập tức. Khi vấn đề nợ xấu được xử lý xong thì thanh khoản của NH được nâng lên, tiền bơm ra được và DN có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ NGUYỆT HƯỜNG
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), Chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank.

  • Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: VAMC nắm giữ chứ không xử lý BĐS thế chấp

Nợ đọng hiện nay chủ yếu gắn với BĐS nên hoạt động của VAMC là nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng khi cho vay mà được thế chấp bằng tài sản. Bây giờ mà bán các tài sản thế chấp là BĐS đó giá rất rẻ, nhưng khi thị trường ấm lên sẽ khác. Các tổ chức tín dụng vẫn phải quản lý BĐS đã nhận thế chấp. Trên danh nghĩa, VAMC nắm giữ chứ không xử lý cụ thể, việc xử lý cụ thể vẫn phải qua những công ty thẩm định giá, đấu giá.

  • Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm: Tính kỹ mua nợ nào, giá bao nhiêu và bán cho ai?

Khi đi vào hoạt động, VAMC cần lưu ý 3 việc: Thứ nhất, gom nợ về để bán phải xác định ai mua, người nước ngoài hay trong nước, khối lượng nợ lớn như thế, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Thứ hai, nợ mới được “treo” lên đó chứ chưa giải quyết được tận gốc rễ, cho nên NH chủ nợ và DN đi vay nợ phải tiếp tục nỗ lực trả nợ; “sức khỏe” của DN phải được bồi bổ thế nào để trả được nợ thật sự chứ không chỉ làm sạch sổ sách. Thứ ba, 5 năm sau, sau khi mỗi năm trích 20% rồi mà vẫn không bán được thì VAMC chuyển trả lại NH toàn bộ số nợ, lúc ấy NH “ôm” về lại sẽ là nợ chồng nợ...

Tóm lại, VAMC tạo khả năng cho NH cho vay ra được, nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế là nợ vẫn còn, khi cho vay tiếp NH phải tiếp tục tính toán thận trọng nhiều mặt, trong đó có cả trường hợp xấu nhất là phải nhận lại nợ sau 5 năm nữa! Doanh thu của NH có thể được cải thiện khi tín dụng tăng trưởng trở lại, nhưng sẽ không đáng kể vì lợi nhuận biên (NIM) của NH đang ngày càng thu hẹp trong bối cảnh phải trích dự phòng.

  • Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt (POMINA) Đỗ Duy Thái: Ý tưởng tốt

Tôi cho rằng, việc Chính phủ cho phép lập VAMC trong thời điểm hiện nay là một ý tưởng rất tốt. Trong đó, VAMC sẽ góp phần xử lý một phần tình trạng nợ xấu, giúp lưu thông hàng hóa và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong tình hình khó khăn đầu ra. Chưa kể, với thực trạng hiện nay, ngoài vấn đề tài chính, VAMC sẽ kích thích tinh thần, tạo phấn khích và thể hiện ý chí của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như xã hội.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần lưu ý tính minh bạch và năng lực của đội ngũ thực hiện. Trên thực tế, thời điểm này có một công thức chung là việc mua bán nợ phải có lợi nhuận, vì doanh nghiệp Nhà nước không thể bỏ tiền thuế để mua nợ mà không thể bán hoặc bán lỗ. Các cán bộ thực hiện phải trung thực, có năng lực, trình độ chuyên môn cao như khả năng trình bày phương án càng cụ thể càng tốt... Việc mua bán nợ có thể chưa có lợi nhuận ngay, nhưng với cách thực hiện chuyên nghiệp, đánh giá đúng giá trị sản phẩm để trong tương lai gần có lãi.

  • Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung (VIPACEX) Đỗ Thanh Hùng: Người thực hiện phải có tâm và tầm

Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) đã biết việc thành lập VAMC, nhưng thú thật, về phương thức triển khai thực hiện như thế nào do quá ít thông tin nên chưa nắm được cụ thể. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cá nhân cũng như mô hình thực hiện của các nước trên thế giới, việc đầu tiên là phải lựa chọn người có tâm có tầm vào vị trí trong VAMC. Bởi khi triển khai thực hiện, người có năng lực phải đánh giá đúng bản chất và định giá được các khoản nợ hay mặt hàng, sản phẩm nào nên mua để tránh thua lỗ, thất thoát tài chính. Đơn cử, đối với những sản phẩm đã bão hòa trên thị trường, các máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu hay những DN đã thật sự không còn năng lực để tái sản xuất... dứt khoát không cứu. Ngược lại, các DN có máy móc thiết bị đầu tư mới, phương án sản xuất kinh doanh khả thi và được sự tín nhiệm của bạn hàng, người tiêu dùng... nên tạo thủ tục thông thoáng nhằm hỗ trợ kịp thời.

Tóm lại, việc thành lập VAMC sẽ tạo được niềm tin cho cộng đồng DN và xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực nếu bộ máy thực hiện nhiệm vụ một cách minh bạch. Trái lại, nếu việc quản lý VAMC bị buông lỏng sẽ làm thất thoát tiền của dân, thêm gánh nặng cho xã hội.

ANH THƯ - LẠC PHONG (ghi)

Tin cùng chuyên mục