Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách

Tỉnh táo trước sức ép tăng trưởng nhanh
Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới hành động” đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 3-6. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế Simon Andrew đồng chủ trì diễn đàn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong nước, đại diện các phái đoàn ngoại giao và các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, các nền kinh tế trên thế giới đã tham dự.

Sau khi được cổ phần hóa, Vinamilk tiếp tục phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Cao Thăng

Sau khi được cổ phần hóa, Vinamilk tiếp tục phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Cao Thăng

Tỉnh táo trước sức ép tăng trưởng nhanh

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, VBF là kênh đối thoại chính thức, mang tính xây dựng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tại diễn đàn, đại diện các nhà đầu tư tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ nhằm ổn định môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. “Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại diễn đàn đã được Chính phủ lắng nghe, triển khai thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, trợ giúp cho doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát cũng như đã triển khai nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là các nhóm giải pháp khá đồng bộ đã được nêu trong Nghị quyết 02 của Chính phủ” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát biểu.

Không nói chung chung, ông Lộc điểm lại rất cụ thể những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được Chính giải quyết, tháo gỡ trong 6 tháng qua. Đó là việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Doanh nghiệp với những ưu đãi thuận lợi cho các nhà đầu tư; ban hành giải pháp ưu đãi đầu tư cho các dự án mở rộng đầu tư cũng như các dự án đầu tư mới cho khu vực FDI; giảm mạnh lãi suất đồng thời bố trí 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo có nhà ở xã hội và “làm ấm” thị trường bất động sản; nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1, xây dựng cảng quốc tế cửa ngõ Lạch Huyện, có kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống cảng biển phía Nam (Thị Vải), cảng hàng không quốc tế Nội Bài...

Sửa đổi Thuế TNDN, Thuế GTGT

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), ông Mark Gillin, nhận định: “Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần có sự đột phá hơn nữa, nhanh chóng đưa những sửa đổi về Thuế TNDN, Thuế GTGT… vào cuộc sống”. Đại diện Amcham cũng đề xuất Chính phủ tích cực đàm phán, triển khai ký kết và thực hiện sớm các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và các hiệp định thương mại tự do khác.

Bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, đơn giản hóa và ổn định quy trình cấp giấy phép lao động cho các doanh nghiệp châu Âu khi tiếp cận thị trường Việt Nam... là những kiến nghị của ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham).

Ông Dominic Scriven, đại diện Nhóm công tác thị trường vốn thuộc VBF, “hiến kế” khơi thêm nguồn vốn cho nền kinh tế bằng cách đề nghị Chính phủ cho phép phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính (cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…) trong các công ty nội địa, nhưng đồng thời giới hạn họ không tham gia vào việc biểu quyết các vấn đề của công ty...

Lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tái khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành theo hướng giảm lãi suất cho vay đi đôi với giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở mức hợp lý; tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng; tăng cường quản lý, giám sát nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống; đồng thời khẩn trương triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Trong nhóm chính sách tài khóa, công tác quản lý thu - chi ngân sách sẽ được rà soát, một mặt chống thất thu, mặt khác đảm bảo chi tiết kiệm và hiệu quả; sớm đưa vào thực thi các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và chính sách hỗ trợ tín dụng...

Đáng lưu ý, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ kiên định điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và chủ trương điều chỉnh giá điện, than; dịch vụ công về giáo dục, y tế với lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch. 

Phản hồi đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc quyết liệt tái cơ cấu khối DNNN, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa; tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính tại các DNNN và tại các DN mà Nhà nước không cần chi phối. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển.

 
 
  • Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

"Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, bảo đảm tính phù hợp, khả thi và phát huy hiệu quả khi triển khai thực hiện. Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật"

 
 
 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục