Cơ hội khai phá thị trường mới

Những tín hiệu tốt đẹp
Cơ hội khai phá thị trường mới

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ của Myanmar còn bỏ ngỏ. Sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng người dân, gần 80% hàng tiêu dùng và công nghiệp của Myanmar phải nhập khẩu. Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp (DN) Việt Nam  khai phá thị trường mới - mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng giới thiệu các sản phẩm sữa Việt Nam với ông U Myint Swe, Thủ hiến vùng Yangon, Myanmar.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng giới thiệu các sản phẩm sữa Việt Nam với ông U Myint Swe, Thủ hiến vùng Yangon, Myanmar.

Những tín hiệu tốt đẹp

Hội chợ Triển lãm Thương mại dịch vụ TPHCM 2013 (Ho Chi Minh City Expo 2013) diễn ra tại TP Yangon, Myanmar từ ngày 6 đến 10-6-2013, với quy mô 125 gian hàng, hàng trăm sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam như sữa Vinamilk, bóng đèn điện quang, thực phẩm Cholimex, hàng điện của R.E.E… Hội chợ được tổ chức vào đúng thời điểm các DN Việt Nam đang rất háo hức tìm kiếm cơ hội thâm nhập vào Myanmar, ngược lại người dân Yangon cũng trông chờ đón mua cùng một lúc nhiều sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, dù trời mưa tầm tã nhưng lượng khách hàng, đặc biệt là các nhà phân phối lớn của Myanmar đổ về hội chợ tìm hiểu hàng hóa Việt Nam vẫn không giảm. Nhiều DN đã bán hết hàng ngay sau 2 ngày diễn ra hội chợ.

Ông Trần Trọng Quí, Giám đốc Công ty cổ phần Điện máy REE phấn khởi cho biết, hội chợ mới diễn ra 2 ngày nhưng công ty đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Ngoài lượng khách đến mua hàng theo dạng cá nhân, còn có nhiều khách hàng đến mua hàng với số lượng lớn để lắp đặt các công trình đang xây dựng. Mặt khác, một số đối tác của Myanmar cũng đã đến hội chợ đặt vấn đề hợp tác lâu dài. Theo ông Quí, dù trước đây ban giám đốc đã sang Myanmar tìm hiểu thị trường, cơ hội làm ăn nhưng đây là lần đầu tiên REE chính thức tham gia hội chợ để đưa hàng hóa giới thiệu với khách hàng tại đây. Ngay sau hội chợ, công ty sẽ tiến hành thảo luận, chọn lựa đối tác có uy tín để thành lập chi nhánh công ty, chính thức tham gia thị trường Myanmar. Ông Quí cũng hy vọng, bạn hàng đầu tiên của REE sẽ là tòa cao ốc của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa được khởi công xây dựng tại trung tâm TP Yangon, Myanmar.

Tại hội chợ lần này, hàng của Vissan trực tiếp mang sang đã được bán hết nên công ty đã đề nghị đối tác Myanmar tiếp tục ứng hàng trưng bày. Theo nhận định của ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, tiềm năng từ thị trường Myanmar có thể khái quát như sau: Lần đầu đến thấy lĩnh vực nào cũng muốn đầu tư; lần thứ 2 thấy không dễ làm và lần thứ 3 đến Myanmar sẽ tìm được cách làm. Nếu DN thấy khó mà không làm, chờ đến lúc pháp luật hoàn chỉnh, chắc chắn DN sẽ mất cơ hội. Do vậy, DN đừng ngại mà phải kiên trì chinh phục thị trường Myanmar.

Khách hàng Myanmar tìm hiểu hàng hóa Việt Nam tại Hội chợ Triển lãm Thương mại dịch vụ TPHCM 2013.

Khách hàng Myanmar tìm hiểu hàng hóa Việt Nam tại Hội chợ Triển lãm Thương mại dịch vụ TPHCM 2013.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Trong đợt tham gia hội chợ và khảo sát thị trường lần này, dù đất nước Myanmar mới thực hiện việc mở cửa và đặc trưng của nền kinh tế Myanmar vẫn là thuần nông nên hàng tiêu dùng chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Hàng hóa từ các nước đổ về Myanmar khá nhiều, trong đó phổ biến là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… DN Việt Nam dù đang tìm mọi cách tiếp cận thị trường này nhưng về cơ bản vẫn là nước đến sau. Điều này biểu hiện khá rõ tại hệ thống siêu thị của Tập đoàn bán lẻ City Mart (doanh thu chiếm tới 50% thị phần của kênh bán lẻ hiện đại tại Myanmar). Hàng Việt Nam có vài mặt hàng được bán tại siêu thị, nhưng lại được nhập khẩu từ Singapore.

Ông Vũ Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Myanmar cho biết, lâu nay người dân Myanmar mới chỉ biết đến các sản phẩm của Việt Nam như bóng đèn Điện Quang, dép nhựa Tiền Phong… Đại đa số các sản phẩm khác của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu và làm quen với thị trường Myanmar. Để thành công tại thị trường này, không còn con đường nào khác là các DN phải cạnh tranh bằng chất lượng.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, không phải chờ đến thời điểm này Bình Điền mới tiếp cận thị trường Myanmar mà từ nhiều năm trước đó, công ty đã thực hiện nhiều đợt tìm hiểu, khảo sát thực tế để tìm cơ hội bán hàng. Nhưng do là đơn vị đi sau nên để cạnh tranh được với sản phẩm phân bón của Thái Lan và Trung Quốc, công ty đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp Myanmar triển khai đến nhà vườn ở một số vùng miền của Myanmar sử dụng thử các loại phân bón Bình Điền. Kết quả ban đầu mang lại rất khả quan, các loại dịch bệnh trên cây trồng giảm hẳn và sản lượng (về lúa và cây hoa màu) tăng hơn 50%. Kết quả này đã mở ra cơ hội lớn cho Bình Điền. Hiện công ty đang nghiên cứu để sản xuất phân bón phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Myanmar. Nếu thuận lợi Bình Điền sẽ tính chuyện hợp tác với một công ty địa phương để mở nhà máy tại đây.

Là người theo dõi và chỉ đạo xuyên suốt công tác xúc tiến thương mại của TP, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong thời gian tới, TP tiếp tục tổ chức các kỳ hội chợ nhằm tạo cơ hội cho DN quảng bá trực tiếp hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng Myanmar, đồng thời tìm kiếm đối tác. Nhưng để trụ vững ở thị trường này và cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước khác, DN Việt Nam phải có sự đầu tư bài bản, nâng chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đồng thời nhanh chóng phát triển mạng lưới phân phối để hàng Việt Nam có mặt thường xuyên tại đây.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục