Làm rõ thêm nhiều vấn đề tại EVN

Ngày 10-1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp báo quý 4-2013, thông báo về một số kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Tại đây TTCP cũng đã thông báo kết quả thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (SGGP ngày 10-1 đã thông tin).

Ngày 10-1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp báo quý 4-2013, thông báo về một số kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Tại đây TTCP cũng đã thông báo kết quả thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (SGGP ngày 10-1 đã thông tin).

        Kiến nghị thu về ngân sách trên 25.200 tỷ đồng

TTCP cho biết, năm 2013, toàn ngành đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 25.225 tỷ đồng, 3.653ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc, 75 người. Về chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, đến nay các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức.

Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Tại cuộc họp báo, liên quan đến các sai phạm tại EVN, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết, trong kỳ họp báo trước, dù chưa có ý kiến chính thức về kết luận của Thủ tướng, nhưng có một số báo chí đề cập và đưa lên thông tin đại chúng, TTCP đã thông tin một số nội dung cơ bản.

Về mặt tổng quan, nội dung kết quả thanh tra tại EVN công bố lần này không có gì thay đổi. Tuy nhiên, có một số nội dung, sau khi các bên giải trình làm rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo và kết luận được thể hiện tại Thông báo kết luận việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản tại EVN lần này.

        Bù lỗ trên 3.500 tỷ đồng cho các công ty con là bình thường?

Tài liệu kiểm toán EVN và một số đơn vị thành viên thể hiện EVN cho Nhiệt điện Phả Lại vay hàng ngàn tỷ đồng với giá ưu đãi nhưng sau đó lại vay lại của Nhiệt điện Phả Lại mấy trăm tỷ đồng để đầu tư dự án điện khác, theo đại diện EVN, Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Tri cho biết, thực tế có việc EVN cho Công ty Nhiệt điện Phả Lại vay vốn với lãi suất thấp, rồi vay lại của công ty này với lãi suất cao.

“Là công ty cổ phần, họ có quyền cho ngân hàng sử dụng số vốn này với lãi suất cao hoặc cho các doanh nghiệp vay lại. Trong khi đó, EVN được Bộ Tài chính cho phép huy động tiền nhàn rỗi của các công ty con theo lãi suất thỏa thuận là lãi suất ngân hàng cộng phí. EVN vay lại của Nhiệt điện Phả Lại tính ra vẫn rẻ hơn vay ngân hàng để đầu tư các dự án mới như Sơn La, Bản Vẽ. Do đó, lãi suất Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay lại mới cao hơn lãi suất EVN cho Phả Lại vay”, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri giải thích.

Nói thêm về điểm này, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho rằng kết luận thanh tra khẳng định không có vi phạm trong việc cho vay và vay lại giữa công ty mẹ với các thành viên trong EVN.

Ngoài ra, thông tin EVN đã bù lỗ hơn 3.500 tỷ đồng cho các đơn vị thành viên cũng được ông Đinh Quang Tri và lãnh đạo TTCP khẳng định, việc EVN bù lỗ cho các công ty con cũng là bình thường với đặc thù sản xuất kinh doanh điện.

 Về vấn đề mà thời gian qua dư luận quan tâm là lương “khủng” của lãnh đạo EVN, ông Đinh Quang Tri cho rằng, lương của lãnh đạo EVN do Bộ Tài chính và Bộ LĐTB-XH phê duyệt chặt chẽ, minh bạch. Theo ông, Hội đồng thành viên của EVN chỉ có 6 người nên rất đơn giản, Thủ tướng đã quy định không được vượt quá 36 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp nữa thì tối đa là 54 triệu đồng/tháng. EVN làm đúng theo quy định chung.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra EVN, TTCP nêu rõ Bộ LĐTB-XH thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 trên 3 tỷ đồng là chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, Công ty mẹ EVN mua 2 ô tô Toyota LandCruise vượt định mức quy định số tiền trên 3 tỷ đồng. Vấn đề này ông Đinh Quang Tri thừa nhận và cho biết đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, khoản trong định mức thì tính vào khấu hao, vượt định mức thì phải dùng lợi nhuận sau thuế bù vào.

PHAN THẢO

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan

Trước đó, ngày 9-12-2013, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 442/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Riêng đối với một số nội dung cụ thể, Thủ tướng có ý kiến:

Việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ của EVN chủ yếu là đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính chiếm tỷ lệ thấp (gần 2.000 tỷ đồng). Yêu cầu EVN cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoát vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, không sơ hở để có một số đối tượng trục lợi.

EVN hạch toán đúng quy định của pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động đồng thời tiến hành rà soát, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Việc xử lý các vấn đề liên quan đầu tư và chuyển giao EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (trong đó có việc thu tiền cáp treo viễn thông). Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và có quyết định cụ thể.

TRUNG PHAN

Tin cùng chuyên mục