Người tiêu dùng Hà Nội đang lạc quan hơn

(SGGPO).- Sáng 16-1, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCSEIF, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả các dự án điều tra năm 2013.

Năm 2013, trung tâm đã thực hiện 2 dự án điều tra, bao gồm: “Điều tra khảo sát niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam” và “Điều tra khảo sát ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới sinh kế của người dân ven đô ở Việt Nam”.

Trong đó, niềm tin tiêu dùng là một chỉ số kinh tế -xã hội quan trọng, được nhiều nước sử dụng để đo lường mức độ lạc quan hay bi quan của người tiêu dùng về bối cảnh hiện tại và tương lai của nền kinh tế; phản ánh mức độ hài lòng hay lo âu về việc làm và thu nhập gia đình của họ. Dự án được tiến hành khảo sát ở 7 quận/huyện của thành phố Hà Nội; từ đó rút kinh nghiệm, đề xuất bộ bảng hỏi và quy trình khảo sát, xây dựng chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam.

Cụ thể, chỉ số hiện tại (chỉ số 6 tháng đầu năm 2013) ở mức 41 điểm, phản ảnh tâm trạng bi quan khá rõ nét của người lao động thủ đô, phản ánh đúng tình hình kinh tế khó khăn của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2013. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tổng hợp 6 tháng cuối năm 2013 đạt 49,5 điểm, cho thấy người tiêu dùng vẫn còn biểu hiện tâm trạng bi quan về các lĩnh vực kinh tế của thành phố, việc làm và thu nhập gia đình của người lao động. Tuy nhiên, xét theo mức độ, mức độ bi quan này rất thấp, nó tiến sát với mức 50 điểm - là mức trung bình.

Riêng với chỉ số kỳ vọng, mặc dù 6 tháng đầu năm người tiêu dùng Hà Nội khá bi quan về tình hình kinh tế của thủ đô và việc làm của họ thì 6 tháng cuối năm 2013 đã có sự chuyển biến tích cực rõ nét; thể hiện ở mức 55 điểm. Như vậy, có thể dự đoán mức chi tiêu cá nhân và hộ gia đình đang trong xu hướng tăng; đồng nghĩa với cầu tiêu dùng tại Hà Nội đang tăng lên.

Trong khi đó, dự án “Điều tra, khảo sát ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới sinh kế của người dân ven đô ở Việt Nam” đã tiến hành khảo sát, phân loại những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới việc duy trì, phát triển sinh kế của người dân tại 3 địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh trong 10 năm trở lại đây, là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong tổng số 900 hộ được điều tra, khoảng 1/3 đã từng bị thu hồi đất. Phần diện tích đất bị thu hồi gần như là hoàn toàn (78% trong tổng số gần 300 hộ bị thu hồi đất cho biết diện tích đất của họ bị thu hồi hoàn toàn). Với những hộ bị thu hồi đất, hầu hết số tiền được đền bù được sử dụng để xây dựng nhà cửa và một phần dành cho tiết kiệm và đầu tư.

Theo kết quả điều tra thu được, thu nhập bình quân của các hộ trong mẫu năm 2012 là 101 triệu đồng/năm, trong đó có 44% là từ lương và trợ cấp, 28% từ hoạt động buôn bán, dịch vụ, 9% là từ hoạt động làm thuê, 7% từ hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 12% là từ các hoạt động còn lại như trồng lúa và hoa màu hay chăn nuôi.

Tính riêng các hộ bị thu hồi đất, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ chiếm tỷ trọng nhiều hơn trong tổng thu nhập của hộ so với bình quân chung của các hộ trong mẫu điều tra. Có thể thấy, đô thị hóa một mặt làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ, mặt khác góp phần đẩy mạnh các hoạt động cung cấp dịch vụ, buôn bán trong địa bàn và giúp hình thành và phát triển các hoạt động phi nông nghiệp mới.

Xét trên các yếu tố là nguồn lực đảm bảo sinh kế của người dân, bức tranh chung cho thấy đô thị hóa đã có tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực đối với kế sinh nhai của người dân. Trong khi đó, vốn xã hội truyền thống của người dân (quan hệ họ hàng, làng xã) vẫn được duy trì và có phần tăng thêm (tham gia các tổ chức, đoàn thể). Duy chỉ có nhân lực vẫn còn là một vấn đề nan giải không chỉ đối với mỗi hộ gia đình và còn đối với cả các địa phương và toàn xã hội.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục