Lỗ hổng pháp lý

Trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, thời gian qua nổi lên vấn đề doanh nghiệp (DN) FDI do làm ăn yếu kém, hoặc không thuận lợi bị phá sản, giải thể, chủ đầu tư bỏ trốn; kéo theo hậu quả là nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ ngân hàng, nợ thuế... Dư luận bức xúc còn các cơ quan chức năng lại lúng túng trong việc xử lý những chủ DN bỏ trốn do còn có nhiều khoảng trống về pháp lý.

Trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, thời gian qua nổi lên vấn đề doanh nghiệp (DN) FDI do làm ăn yếu kém, hoặc không thuận lợi bị phá sản, giải thể, chủ đầu tư bỏ trốn; kéo theo hậu quả là nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ ngân hàng, nợ thuế... Dư luận bức xúc còn các cơ quan chức năng lại lúng túng trong việc xử lý những chủ DN bỏ trốn do còn có nhiều khoảng trống về pháp lý.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TPHCM, tính đến cuối tháng 9-2014, trên địa bàn TPHCM có 3 doanh nghiệp FDI (ngoài khu công nghiệp) bỗng dưng “lặn mất tăm”, để lại số nợ lương công nhân khá lớn cùng nhiều khoản nợ khác. Đơn cử, tại quận 6, sự việc hàng trăm công nhân Công ty TNHH Bách Hợp (sản xuất bao bì, gia công hàng may mặc) tập trung đòi lương và quyền lợi khi mấy tháng rồi chủ DN không trả lương, không có mặt tại trụ sở. Vào thời điểm đó, người chủ DN này (mang quốc tịch Áo) đột ngột biến mất, không ai có thể liên lạc được sau khi để lại tiền nợ lương công nhân tháng 7-2014 hơn 310 triệu đồng, nợ BHXH 586 triệu đồng.
 
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, thời gian qua trên địa bàn có 16 DN diện vắng chủ; trong đó các DN nợ BHXH với số tiền lên đến hơn 3,6 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH C&H Việt Nam nợ BHXH hơn 810 triệu đồng, nợ thuế 3 triệu đồng; Công ty TNHH sản xuất xích chuyên dùng Việt Nam nợ BHXH gần 230 triệu đồng, nợ thuế 6 triệu đồng... Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 22 dự án do ngừng hoạt động quá 12 tháng không có lý do, vắng chủ đã lâu không liên lạc được.

Tình trạng DN FDI bỏ trốn gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động. Ngoài việc bị nợ tiền lương thì người lao động còn bị nợ luôn cả BHXH. Tất nhiên, số tiền nợ BHXH này rất khó đòi, bởi các chủ DN đều “ngoài vùng phủ sóng”, trong khi đó sổ BHXH của người lao động do chủ DN nắm giữ. Còn nhà nước cũng bị thất thu một khoản ngân sách đáng kể khi không thể đòi lại được những khoản nợ thuế, tiền thuê đất, phí hạ tầng, còn ngân hàng phải gánh những khoản nợ xấu. Chưa kể, hàng loạt DN FDI bỏ trốn kéo dài nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm do không thể yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục giải thể, khó xử lý các tài sản còn lại của DN...

Đâu là nguyên nhân của tình trạng DN FDI bỏ trốn? Có thể thấy phần lớn do tác động của suy thoái kinh tế, DN làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả nợ nên chủ DN “âm thầm” bỏ trốn. Bên cạnh đó, còn do tranh chấp nội bộ trong các công ty không giải quyết được. Mặt khác, do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý và giải thể doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian và tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục này. Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân nêu trên, cũng không loại trừ nhiều trường hợp DN FDI lợi dụng những kẽ hở của luật pháp Việt Nam, nhất là những chính sách ưu đãi để trục lợi.
 
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho rằng, để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung khung pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc để ngăn ngừa các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Đồng thời, để tăng cường thu hút vốn FDI mà vẫn xử lý được các DN diện vắng chủ, cần có cơ chế phối hợp, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa cơ quan cấp phép và ngành chức năng khi DN có những biểu hiện nghi vấn nợ lương, thuế, BHXH...

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục