Phản hồi bài “Khoảng trống thuế”: Trách nhiệm hơn để hạn chế thất thu thuế

Sau bài “
Phản hồi bài “Khoảng trống thuế”: Trách nhiệm hơn để hạn chế thất thu thuế

Sau bài “Khoảng trống thuế” đăng trên Báo SGGP ngày 16-10, phản ánh thực trạng các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam, trong khi công tác quản lý thuế chúng ta chưa hiệu quả và hậu quả là có đại gia bán lẻ báo cáo lỗ liên tục hơn chục năm qua, Tổng cục Thuế đã có phản hồi xung quanh vấn đề doanh nghiệp (DN) báo cáo lỗ.

Hệ thống siêu thị Metro 13 năm liên tục báo cáo thuế lỗ. Ảnh: NGUYỄN QUỐC

Vẫn lỗ âm vốn

Liên quan đến phản ánh của Báo SGGP đối với Công ty Metro Cash & Carry hoạt động từ khi ra đời đến khi bán lại (13 năm) liên tục báo cáo thuế lỗ, trong khi đơn vị này vi phạm không xuất hóa đơn bán hàng cho khách theo quy định nhưng không bị xử lý, kết quả, Metro có vốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng báo cáo lỗ “âm” vốn, Tổng cục Thuế cho biết năm 2010 cơ quan thuế có thanh tra Metro, tuy nhiên hoạt động thanh tra chỉ làm giảm lỗ 310 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, tỷ lệ DN FDI kê khai lỗ chiếm khá cao trong số các DN FDI. Cụ thể, năm 2010 có 21% DN FDI báo cáo lỗ, năm 2011 là 19,66%, năm 2012 là 17,54%, năm 2013 là 12,68%. Thấy được vấn đề nghiêm trọng khi nhiều DN báo cáo lỗ lại lớn mạnh và mở rộng sản xuất nên ngành thuế đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các DN FDI kê khai lỗ. Số tiền truy thu, xử phạt và giảm lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Cụ thể, năm 2010 thanh tra, kiểm tra 183 DN, truy thu và phạt 248 tỷ đồng, giảm lỗ 2.297 tỷ đồng; năm 2011 thanh tra, kiểm tra 286 DN, truy thu và phạt 1.094 tỷ đồng, giảm lỗ 2.260 tỷ đồng; năm 2012 thanh tra, kiểm tra tại 243 DN, truy thu và phạt 170 tỷ đồng, giảm lỗ 2.354 tỷ đồng; năm 2013 thanh tra, kiểm tra 225 DN, truy thu và phạt 390 tỷ đồng, giảm lỗ 1.625 tỷ đồng.

Điều bức xúc là có rất nhiều “đại gia” đình đám trên thị trường lại báo cáo lỗ, trong đó hầu hết là DN bán lẻ có số lỗ và giảm lỗ với số tiền lớn. Ngoài Metro, phải kể đến là Công ty cổ phần Ma San giảm lỗ 326 tỷ đồng sau thanh tra (năm 2013); Công ty TNHH MTV Keangnam - Vina giảm lỗ 239 tỷ đồng sau thanh tra (năm 2012); Công ty Pepsico VN đã giảm lỗ 136 tỷ đồng sau thanh tra (năm 2011)…

Thế nhưng, một số DN khi bị thanh tra thì giảm lỗ, nhưng sau đó vẫn báo cáo lỗ tiếp, lỗ đến âm vốn, điển hình là Metro Cash & Carry. Ngoài ra, các DN sản xuất đồ uống giải khát như Công ty Nestle; sản xuất, chế biến chè như các doanh nghiệp FDI ở Lâm Đồng, sản xuất các sản phẩm da giày, sản phẩm may… cứ báo cáo lỗ nhưng lại mở rộng sản xuất kinh doanh!

Tuy nhiên, hoạt động thanh tra cũng mang lại một số hiệu quả sau thanh tra, DN chuyển sang… lãi! Chẳng hạn như Công ty TNHH Y tế Viễn Đông VN bị thanh tra năm 2010 đã giảm lỗ 183 tỷ đồng, sang năm 2011 bắt đầu khai lãi 55 tỷ đồng và năm 2012 lãi 30 tỷ đồng (tuy nhiên, năm 2013 công ty này lại khai lỗ trở lại, do vậy ngành thuế sẽ đánh giá lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra). Tương tự, khách sạn Equatorial TPHCM bị thanh tra năm 2010, đã giảm lỗ 228 tỷ đồng và bước sang năm 2012 kê khai lãi 29 tỷ đồng và năm 2013 lãi 7 tỷ đồng…

Thất thu thuế, ai chịu trách nhiệm?

Theo giải trình của các DN báo cáo lỗ thì hầu như DN nào cũng cho rằng nguyên nhân là do đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nên vốn ban đầu lớn. Thế nhưng, bất cập là có DN vừa kinh doanh phát đạt, vừa đầu tư mở rộng nhưng kết quả báo cáo thì… nợ cao hơn tổng tài sản! Trong khi nhiều DN làm ăn không lãi, liên tục khai lỗ, lỗ đến âm vốn - tức không còn tài sản nhưng vẫn thuê đất để đầu tư mở rộng?! Điều này sẽ khiến dư luận bức xúc. Bởi trên thực tế không ít DN tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường nhưng vẫn báo cáo có lãi, như Samsung, Toyota, Unilever… Do vậy, cần xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra những bất cập đối với hoạt động mở rộng của các DN lỗ này.

Theo đánh giá của ngành thuế, hầu hết DN FDI lỗ là vì có giao dịch liên kết, chuyển giá dưới các hình thức nâng giá thiết bị đầu vào; nâng giá nguyên liệu, hương liệu đầu vào, vay vốn từ các công ty có giao dịch liên kết, công ty mẹ ở nước ngoài để khai báo lỗ nhiều năm - nhưng thực chất chỉ lỗ ở Việt Nam và ngược lại, công ty mẹ vẫn lãi. Cứ như vậy, công ty con ở Việt Nam tiếp tục vay vốn từ công ty mẹ ở nước ngoài để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp tục khai báo lỗ.

Do vậy, ngành thuế đề xuất các giải pháp quản lý DN lỗ bằng cách hạn chế việc cho thuê đất đầu tư mở rộng đối với DN khai báo lỗ, đồng thời xây dựng danh mục giá nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu từ công ty mẹ để khống chế việc liên kết nâng giá. Ngoài ra, ngành thuế còn đề xuất sửa luật để giao cho ngành thuế được “điều tra thuế”.

Thế nhưng, theo quan điểm của chúng tôi, ngành thuế đã thừa quyền, chỉ thiếu… trách nhiệm. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của các cơ quan thuế, kiểm toán, để DN vi phạm mà không xử lý kịp thời, dẫn đến báo cáo lỗ, còn cần xử lý trách nhiệm đối với đơn vị cấp phép, nếu cấp phép cho DN lỗ được đầu tư mở rộng. Bởi, trong các cuộc tiếp xúc với DN, rất nhiều DN kêu ca bị thuế soi kỹ, làm khó.

Thế nhưng, hầu hết các DN bán lẻ khai lỗ như đã nói trên đều có sai phạm (bán hàng không xuất hóa đơn) và ngành thuế không quản lý được doanh số bán hàng thực tế, mà chỉ dựa trên báo cáo của DN (trong khi, bán lẻ cho cá nhân, DN bán có thể không khai thuế phần “đầu ra” thì ngành thuế cũng không kiểm tra được, vì cá nhân không khai “đầu vào” nên không có cơ sở đối chiếu, phát hiện).

Do vậy, trước thời điểm hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN các DN bán lẻ ào ạt vào Việt Nam, điều quan trọng trong quản lý thuế là phải nắm được hoạt động kinh doanh, bán hàng ngay từ đầu bằng cách nối mạng máy tính tính tiền giữa cửa hàng, siêu thị với cơ quan thuế. Mọi dữ liệu được lưu trữ ngay trên máy tính. Nếu không nắm được con số từ đầu thì mọi hoạt động thanh tra, kiểm tra sau đó chỉ là… “vuốt đuôi”!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục