Cần tiếp sức doanh nghiệp

Dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của DN trong nước còn hết sức khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động có xu hướng tăng cao; việc tiếp cận thị trường còn hạn chế.
Cần tiếp sức doanh nghiệp

Dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của DN trong nước còn hết sức khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động có xu hướng tăng cao; việc tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Tăng trưởng chưa bền vững

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong số DN phải ngừng hoạt động những tháng đầu năm, nguyên nhân do không tìm được thị trường đầu ra chiếm tỷ lệ cao nhất (50%). Điều này cho thấy bên cạnh những khó khăn trong sản xuất kinh doanh như thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực yếu, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ thấp… thì tiêu thụ sản phẩm vẫn là một thách thức lớn cho DN.

Ngoài ra, các DN cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm về quy mô, lao động bình quân. Tỷ trọng các DN Việt có quy mô vừa và lớn chiếm một tỷ lệ nhỏ và có xu hướng giảm đi. Nguy cơ Việt Nam thiếu các DN cỡ vừa ngày càng tăng. Hiện nay, số lượng các DN có quy mô vừa và lớn chỉ chiếm khoảng 4%.

Lắp ráp máy tính tại Công ty cổ phần FPT ELEAD trong KCN Tân Bình.

Giải pháp cụ thể

Trước những khó khăn DN trong nước đang gặp phải, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN. Đại diện Viện Điện tử tin học TPHCM cho biết, hiện nay cái DN cần là giải pháp tháo gỡ cụ thể. Chẳng hạn, hiện nay nhiều DN không có vốn để hoạt động nên sa sút dần, nhưng khi Chính phủ ban hành các gói tín dụng hỗ trợ về lãi suất, các DN này lại không thuộc đối tượng được vay.

Vì vậy, để DN thuận lợi trong hoạt động, nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Mặt khác, cần tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN; cần hỗ trợ DN trong việc xuất nhập khẩu và tìm kiếm thị trường đầu ra; giải quyết vấn đề hàng tồn kho. Đồng quan điểm, ông Tạ Minh Tuấn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin: Hiện nay, rau quả Việt Nam rất cần thị trường tiêu thụ nhưng thực tế DN phải mò mẫm tìm kiếm thị trường; trong khi đó đa phần DN rau quả có quy mô nhỏ và vừa nên việc tiếp cận thị trường rất khó khăn. Vì vậy, nhà nước cần có sự hỗ trợ DN về thông tin thị trường tiêu thụ.

Ở góc độ cơ quan đại diện cho DN, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, kiến nghị, nhà nước cần tập trung hỗ trợ DN nâng cao năng lực tiếp cận, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh để tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển DN tư nhân, DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Trong đó, Quốc hội cần sớm ban hành Luật DNNVV để các chính sách hỗ trợ DNNVV đủ mạnh, có tính nhất quán, lâu dài. Chính phủ có các chương trình trợ giúp DNNVV, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành pháp nhân DN và trợ giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành DN vừa và lớn. Mặt khác, rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập xuống 20% với DN lớn và 18% với DNNVV, xem xét miễn thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng.

Cần có giải pháp tăng cường biện pháp hỗ trợ DN phát triển thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và có các chính sách hỗ trợ DNNVV đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị ngành. Tăng cường sự tham gia của DN, hiệp hội DN trong quá trình tham vấn và xây dựng chính sách và thực hiện các dịch vụ công.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục