Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành: Hiệu quả, ấn tượng

Ngày 31-10, tại Hội trường Thành ủy TPHCM đã diễn ra Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2014 do Sở Công thương TPHCM tổ chức. Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh việc hình thành mối liên kết giữa sản xuất và phân phối. Đây là cơ sở để TPHCM và các tỉnh, thành hướng tới phát triển bền vững.
Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành: Hiệu quả, ấn tượng

Ngày 31-10, tại Hội trường Thành ủy TPHCM đã diễn ra Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2014 do Sở Công thương TPHCM tổ chức. Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh việc hình thành mối liên kết giữa sản xuất và phân phối. Đây là cơ sở để TPHCM và các tỉnh, thành hướng tới phát triển bền vững.

Thành công trên nhiều mặt

Theo nhận định của ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình hợp tác thương mại nói chung và hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN trên cả nước. Thông qua chương trình, các địa phương đã tạo điều kiện cho các DN TPHCM an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, từ đó hình thành mối liên kết giữa các vùng nguyên liệu.

Tính đến cuối tháng 10-2014, các DN TPHCM đã thực hiện 69 dự án đầu tư sản xuất hoặc liên kết đầu tư, với tổng số vốn 23.978 tỷ đồng, trong đó 23 DN trong chương trình bình ổn thị trường thực hiện 40 dự án với tổng vốn khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong lĩnh vực liên kết phát triển hạ tầng thương mại, các DN TPHCM đã đầu tư tại các tỉnh 1 trung tâm thương mại, 90 siêu thị, 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và nhiều mạng lưới, đại lý, nhà phân phối tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành đã giúp gắn kết và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác ngày càng thiết thực giữa DN TP và các tỉnh, thành.

Giới thiệu sản phẩm tại gian hàng tỉnh Vĩnh Long tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Điểm nổi bật của chương trình hợp tác thương mại đó chính là kết nối cung cầu hàng hóa. Sau gần 3 năm thực hiện, đã có 520 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết, trong đó có 434 hợp đồng được triển khai thực hiện, với tổng giá trị đạt trên 19.000 tỷ đồng. Các DN TPHCM đã tiêu thụ hàng hóa cho các tỉnh, thành đạt 13.000 tỷ đồng (riêng DN bình ổn ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm đạt 10.513 tỷ đồng) và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng 3 chợ đầu mối nông sản của TP, mỗi ngày đang tiếp nhận khoảng 8.000 tấn hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương, trong đó chủ yếu từ các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ.

Cộng hưởng và chia sẻ

Ông Trương Quan Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, thành công của chương trình sau gần 3 năm thực hiện đã thể hiện rõ sự quyết tâm của lãnh đạo và DN các tỉnh, thành trong việc liên kết tạo nguồn hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù vậy, ông Nam cũng nhìn nhận chương trình còn bộc lộ những hạn chế nhất định như chưa đi sâu vào thực tế, chưa phát huy được tiềm năng các tỉnh và TP. Các hệ thống phân phối của TPHCM chưa đầu tư lớn cho hệ thống thu mua, kho hàng tập kết và mạng lưới điều phối hàng hóa nên đôi lúc gây khó khăn cho các DN cung ứng.

Ngược lại, tại các tỉnh nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng do chính các DN nhỏ và vừa, hộ sản xuất thủ công chưa được hưởng ưu đãi để đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu cung ứng vào hệ thống phân phối của TPHCM…

Theo ông Nam, hợp tác không nên dừng lại ở từng tỉnh mà cần phải xác định và nhắm đến lợi thế vùng. TPHCM cần tạo điều kiện để các nhà sản xuất, phân phối đầu tư, mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm tại Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó giúp các nhà sản xuất tiếp cận và ứng dụng được những tiến bộ khoa học vào sản xuất, nuôi trồng tạo ra các vùng chuyên canh, sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao và số lượng lớn.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, để chương trình phát triển bền vững rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên qua việc tổ chức nguồn hàng và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đồng quan điểm trên, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (An Giang) nhấn mạnh, để thành công trong việc đưa hàng hóa vào siêu thị, trước hết cần có sự chia sẻ giữa các nhà cung cấp và nhà phân phối trong việc thanh toán để hỗ trợ các nhà sản xuất có điều kiện để quay vòng nhanh đồng vốn.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, chặng đường 3 năm không phải là dài nhưng là chặng đường của tâm huyết, sáng tạo và sự đồng lòng chung sức hợp tác giữa các tỉnh, thành. Đây là dịp để TPHCM và các tỉnh- thành cùng trao đổi giải pháp, rút kinh nghiệm tiếp tục phát huy thành quả của chương trình này và từ đó sẽ có giải pháp phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong thời gian tới.

Ký kết 347 hợp đồng

Tại Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2014 đã có 433 DN sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trưng bày, giới thiệu sản phẩm với 124 gian hàng (tăng 92 DN và tăng 67 gian hàng so với năm 2013); 147 DN, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ (gồm 14 hệ thống siêu thị, 67 hệ thống cửa hàng, 3 chợ đầu mối, 63 chợ loại 1-2 trên địa bàn TP); 152 DN tiêu thụ sản phẩm như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, căn tin trường học; 8 tổ chức tín dụng, ngân hàng. Kết quả, tại hội nghị đã có 347 hợp đồng nguyên tắc đã được các DN ký kết (13 tỉnh miền Tây ký kết 214 hợp đồng; 8 tỉnh miền Đông và Tây Nguyên ký 53 hợp đồng và 5 tỉnh miền Trung ký 33 hợp đồng).

Thúy Hải - Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục