Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước TPHCM - Bài 1: Khó trăm bề

Vướng dự án “đóng băng”
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước TPHCM - Bài 1: Khó trăm bề

Mặc dù, UBND - HĐND TPHCM đồng hành xuyên suốt trong từng bước đi của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong quá trình tái cơ cấu, thế nhưng, hầu hết các DN chưa xây dựng được phương án tái cơ cấu hoàn chỉnh, chưa tạo ra sự đổi mới về tổ chức, quản trị, con người, thiếu phương án kinh doanh hấp dẫn thị trường. Đã vậy, các quy định hiện tại gây vướng, khiến một số DN, đặc biệt là DN bất động sản trong thời kỳ đóng băng phải rơi vào vòng luẩn quẩn: khó xác định giá trị DN, dẫn đến chậm theo quy định, phải xác định lại, tốn nhiều chi phí…

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước TPHCM - Bài 1: Khó trăm bề ảnh 1

Chế biến cà tím xuất khẩu tại Công ty Cofidec (SATRA). Ảnh: CAO THĂNG

Tổ chức yếu, thiếu thu hút

Cả nước có 432 DN cổ phần hóa trong năm 2014-2015. Các “ông lớn” như ngân hàng, tập đoàn dệt may, Vietnam Airlines… cùng đồng loạt IPO - chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Trong đó, TPHCM cũng cổ phần hóa 31 DN, nhưng hầu hết các DN này có vốn nhỏ, nếu DN nào hoạt động kinh doanh kém, càng khó cạnh tranh để bán cổ phiếu ra thị trường. Bởi hoạt động cổ phần hóa hiện nay đang rơi trúng thời điểm “cung” quá nhiều nhưng thị trường lại ảm đạm.

Do vậy, có đại biểu HĐND TPHCM đề nghị nên ưu tiên sắp xếp các DN bán lẻ, các DN dịch vụ trước. Bởi những DN dịch vụ vốn ít, giá trị lợi thế cao nên dễ thực hiện. Tuy nhiên, Satra là một DN chuyên về dịch vụ bán lẻ, Satra có đến 80 DN thành viên, tổng vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, số lao động khoảng 15.000 người nên việc thoái vốn cũng không đơn giản chút nào.

Chế biến cà tím xuất khẩu tại Công ty Cofidec (SATRA). Ảnh: CAO THĂNG

Ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Satra cho biết, hiện Satra đang tiến hành thoái vốn ở 47 DN, nhưng thị trường chưa thuận lợi, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến cổ phiếu của các DN nhỏ, khiến việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc cổ phần hóa thì hoạt động thoái vốn đầu tư ở DN liên kết, thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng khá cấp thiết. Tính riêng TPHCM, số vốn thoái trong giai đoạn 2014-2015 lên đến hơn 4.700 tỷ đồng. Nếu các DN đồng loạt thoái vốn sẽ dễ bị ép giá. Vậy nên việc thoái vốn đầu tư chỉ đơn giản là chuyển nhượng phần vốn góp nhưng vẫn khó thực hiện. Bên cạnh việc thị trường quá tải, nguyên nhân khác là DN nằm trong danh mục phải thoái vốn kém hấp dẫn, hiệu quả kinh doanh thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Có nghĩa nếu phải thoái vốn thì phải chịu lỗ. Trong khi đó, theo quy định thoái vốn nhưng phải đảm bảo, bảo tồn giá trị theo sổ sách. Mặc dù đến nay Chính phủ đã cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, nhưng lại buộc phải lập quỹ dự phòng để bù lỗ nên DN cũng không đáp ứng được yêu cầu.

Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM giám sát tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở TPHCM. Ảnh: CHẾ HÂN

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, có nhiều DN gặp khó khăn về giá chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc nợ công hàng chục năm không xử lý được. Nếu không xử lý được sẽ không cổ phần hóa được, cũng như không chuyển nhượng vốn góp được. Do vậy, theo ông, nếu muốn xử lý DN yếu kém phải cần “một lần chịu đau” mới xử lý xong.

Vướng dự án “đóng băng”

Chỉ tiêu của TPHCM trong năm 2014 phải cổ phần hóa 15 DN. Thế nhưng, con số đó cũng khó đạt được. Nguyên nhân, các DN kinh doanh bất động sản gặp lúc thị trường bất động sản đóng băng, không bán được dự án, khó xác định giá trị DN nên tiến độ cổ phần hóa DN chậm.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND, TPHCM khẳng định: Trong lúc thị trường bất động sản đóng băng, nhiều dự án tiến độ không nhúc nhích thì làm sao DN có tiền nộp, như dự án Phạm Văn Hai của Công ty XNK Bình Chánh là một ví dụ. Tương tự, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) cũng thế. Resco có đến 22 công ty thành viên, chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng giờ thị trường đóng băng, muốn cổ phần hóa, DN phải định giá lại toàn bộ dự án dở dang. Chẳng hạn Khu dân cư An Sương chưa đền bù giải tỏa xong, các dự án khác như Khu dân cư An Phú - An Khánh cũng chưa giải quyết dứt điểm nên không thể xác định giá trị DN. Do vậy, buộc các DN phải gia hạn thời hạn công bố giá trị DN để xử lý những tồn tại.

Xác định lại giá trị dự án là việc làm tốn nhiều thời gian, gặp không ít khó khăn nhưng Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính TP) đề nghị, buộc phải làm để vốn nhà nước được định giá đúng nhất, tránh thất thoát. Theo quy định, sản phẩm dở dang không định giá lại, nhưng nếu không làm sẽ dẫn đến thất thu. Bởi như ông Nguyễn Tín Trung, Chủ tịch HĐTV Resco cho biết, một số dự án bất động sản khi tính giá đất đền bù chỉ 500.000 đồng/m2, nhưng sau này sản phẩm bán ra vài chục triệu đồng, nếu không thẩm định lại giá trị thì ai chịu!

Xác định giá trị DN: Ảo!

Vấn đề xác định giá trị DN không chỉ vướng ở các DN bất động sản có dự án đóng băng, mà ngay các DN thương mại dịch vụ cũng vậy, vì quy định xác định lợi thế, thương hiệu DN cũng… ảo! Bà Lê Ngọc Thùy Trang cho biết, bất cập trong tính giá trị thương hiệu là ở chỗ, khi tính giá trị thương hiệu thì phải bao gồm giá trị lợi thế kinh tế (dựa trên chi phí quảng cáo, đào tạo) và tỷ suất lợi nhuận của DN trong 3 năm liền kề thời điểm cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Tín Trung cho rằng, nếu tính lợi thế giá trị DN trên tỷ suất lợi nhuận 3 năm cuối cũng không ổn. Bởi ở những DN có dự án bất động sản doanh thu bất thường, các dự án đầu tư nhiều năm nhưng vài năm cuối mới có doanh thu mà trúng vào ngay thời điểm cổ phần hóa thì doanh thu 3 năm cuối rất lớn. Hoặc ở công ty thương mại cũng thế, doanh thu rất lớn, nếu dựa vào doanh thu đó để tính giá trị thương hiệu thì không hợp lý. Đó là lý do Công ty Thương mại Sài Gòn 5, vốn chỉ 200 tỷ đồng, nhưng nếu căn cứ quy định xác định giá trị thương hiệu như hiện nay thì giá trị thương hiệu của công ty này lên đến 60 tỷ đồng là không hợp lý. Nếu đưa giá trị thương hiệu này vào giá vốn của DN cổ phần hóa thì cổ phiếu bán ra chẳng ai mua.

Ngay cả việc tính giá trị thương hiệu trên chi phí quảng cáo, đào tạo cũng không khả thi. Bởi nhiều DN có chi phí quảng cáo, đào tạo từ khi thành lập đến khi cổ phần hóa đến hàng chục năm thì làm sao có chứng từ chứng minh, vì DN không còn lưu trữ thông tin dữ liệu. Một vướng mắc khác khiến công tác cổ phần hóa bị chậm là quy định khống chế chi phí cổ phần hóa DNNN không quá 500 triệu đồng. Trong khi các hoạt động đấu giá, thuê tư vấn có chi phí rất cao.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan dẫn chứng, Vissan có đến 80 mặt bằng, nếu phải đo vẽ, định giá, thuê tư vấn mà khống chế chi phí 500 triệu đồng thì không thể thực hiện được. Đã vậy, công tác thẩm định giá buộc phải đấu thầu mà không cho chỉ định thầu nên thời gian thực hiện kéo dài hơn. Nếu không giải quyết những bất cập này thì quy trình chậm, đề án cổ phần hóa có thực hiện xong, giá bán không thực tế, sẽ bị ế ẩm trên thị trường!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục