Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước TPHCM. Bài 2: Phải hấp dẫn, IPO mới thành công

Trong những buổi giám sát các đề án cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), câu hỏi đặt ra của các đại biểu HĐND TPHCM luôn là: sau khi thoái vốn thì hoạt động cấu trúc, sắp xếp ngành nghề của DN như thế nào, nâng cao năng lực quản trị ra sao, sử dụng nguồn vốn thoái được như thế nào?
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước TPHCM. Bài 2: Phải hấp dẫn, IPO mới thành công

Trong những buổi giám sát các đề án cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), câu hỏi đặt ra của các đại biểu HĐND TPHCM luôn là: sau khi thoái vốn thì hoạt động cấu trúc, sắp xếp ngành nghề của DN như thế nào, nâng cao năng lực quản trị ra sao, sử dụng nguồn vốn thoái được như thế nào?

Các đại biểu đề nghị DN phải có phương án kinh doanh sau cổ phần hóa, phải đề xuất được hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới để tăng giá trị DN… thì mới bán được cổ phiếu. Nếu không, dù đã cổ phần hóa nhưng tư duy cũ, con người cũ, thì chẳng khác nào “bình mới, rượu cũ”.

“Ưu đãi” thành…“bạc đãi”!

Như bài 1 đã phản ánh, hoạt động thoái vốn của DNNN gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của giai đoạn 2014-2015, TPHCM phải thoái vốn 4.717 tỷ đồng, trong đó, thoái vốn đầu tư ngoài ngành là 114 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay chỉ mới thực hiện thoái vốn được 155 tỷ đồng (khoảng hơn 3%). Nguyên nhân, là do thị trường tài chính ảm đạm, mà các DN thoái vốn, cổ phần hóa lại không đưa ra được phương án sản xuất kinh doanh mới hiệu quả hơn, nên bán ra không ai mua.

Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách trong công tác tái cơ cấu DNNN là thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đại biểu Nguyễn Văn Lâm, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM khẳng định, số vốn phải thoái ở các DNNN không cao so với nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng phải thực hiện ngay để tập trung nguồn vốn đầu tư vào ngành nghề chính. Đó không chỉ là thu hồi vốn mà còn thực hiện cải cách hệ thống quản trị.

Đại biểu Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cũng xác định rõ, tái cấu trúc không có nghĩa là thanh lý mà đầu tư chuyên sâu vào ngành nghề chính. Nếu DN cổ phần hóa không cung cấp đủ thông tin thì nhà đầu tư nghi ngại không dám mua vào và như vậy thị giá cổ phiếu sẽ thấp, không bán được, càng khó để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Nếu sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn chiếm cổ phần chi phối và vẫn giao những con người đó quản trị thì chẳng có gì thay đổi, DN yếu kém vẫn hoàn yếu kém. Nhà đầu tư dù đã bỏ tiền ra mua cổ phiếu nhưng tỷ lệ sở hữu thấp thì cũng không có điều kiện thực hiện quyền và chức năng giám sát đối với nguồn vốn của mình.

Satra có hơn 15.000 lao động nhưng sau cổ phần hóa vẫn đảm bảo việc làm cho tất cả lao động. Ảnh: HOÀNG VIỆT

Phương án kinh doanh sau cổ phần hóa là vấn đề quan trọng trong hoạt động cổ phần hóa. Nhìn lại hoạt động thoái vốn ngoài ngành từ hoạt động đầu tư mua cổ phiếu của các DNNN cổ phần hóa trước đây sẽ thấy. Do không có phương án kinh doanh tốt, hiệu quả kinh doanh không cao, nên nay các cổ phiếu rớt giá thê thảm. Đó cũng chính là lý do hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành - bán cổ phần - rơi vào bế tắc. Bởi vì các DN đã mua cổ phiếu vào thời điểm thị trường “hot” nhất, giờ thị trường tuột dốc, bán ra không đảm bảo bảo toàn vốn. Chẳng hạn, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) trước đây mua cổ phiếu của Vietcombank với giá 107.000 đồng/cổ phiếu, mắc hơn gấp 10 lần giá vốn, giờ bán ra không ai mua. Khi xét về trách nhiệm thì các tổng công ty này cho rằng, lúc Vietcombank IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng), đã có chỉ đạo các DNNN mua vào vì không muốn cổ phần lọt vào tay tư nhân. Giờ các đơn vị mua cổ phần này phải lãnh hậu quả.

Khi chính các DN mua cổ phần của các DNNN IPO theo giá ưu đãi, giờ còn bị… “bạc đãi”, thì thử hỏi người lao động sẽ lao đao như thế nào? Thực hiện cổ phần hóa DN luôn đi đôi với nhiệm vụ nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động làm chủ, gắn kết lâu dài với DN bằng cách bán cổ phiếu ưu đãi cho công nhân lao động. Thế nhưng, nếu việc cổ phần hóa không gắn với xây dựng đề án kinh doanh mới thì cổ phiếu ưu đãi sẽ bị rớt giá, người lao động mua cổ phiếu sẽ… lãnh đủ!

Xây dựng DN mới trên tư duy cũ!

“Cổ phần hóa DNNN không phải là chuyện chuyển DN yếu kém sang chủ sở hữu khác”, là ý kiến của các chuyên gia trong hoạt động cổ phần hóa DN. Do vậy, các kiến nghị trong sơ kết đánh giá hoạt động tái cơ cấu DNNN là song song với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, phải tập trung sắp xếp vốn và nhân lực vào những ngành nghề kinh doanh chính; nâng cao nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả DN.

Thế nhưng, qua khảo sát tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN ở TPHCM thì chỉ có Satra và Công ty XNK Lao động và chuyên gia (Suleco) là xây dựng được phương án sử dụng nguồn vốn thoái được để đầu tư vào ngành nghề chính, xác định phương án kinh doanh rõ ràng. Cụ thể, nguồn vốn thu hồi được từ hoạt động thoái vốn, Satra sẽ tập trung mở rộng nâng cấp cơ sở hạ tầng, sản xuất chăn nuôi sạch, ứng dụng phần mềm quản lý toàn bộ hệ thống bán lẻ. Phương án kinh doanh mới của Satra là tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính, từ 51 ngành nghề, tinh gọn lại thành 35 ngành nghề chính yếu - trong khi trước đây, DN mang tên thương mại nhưng lại có đến 70% hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài ngành nghề. Ngoài ra, bên cạnh hoạt động tổ chức lại bộ máy tinh gọn, Satra còn đưa ra phương án cơ cấu lại lực lượng lao động… Còn ở Suleco, bên cạnh phương án cổ phần hóa là một phương án kinh doanh sau cổ phần hóa khá thuyết phục. Đó là tập trung vào 3 mảng chính: xuất khẩu - đào tạo - cho thuê lại lao động. Trong đó, Suleco xác định rõ “hướng đi” là không xuất khẩu lao động vào thị trường có hàm lượng chất xám thấp, mà chú trọng xuất khẩu lao động vào thị trường có hàm lượng chất xám cao. Hoạt động đào tạo, xuất khẩu lao động cũng được xây dựng bài bản hơn...

Thế nhưng, ngoài 2 DN kể trên, hầu như chẳng có DN nào đề cập đến phương án kinh doanh sau cổ phần hóa. Trong khi đó, “Tái cơ cấu, không chỉ là bán vốn mà phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo lại lao động, ứng dụng công nghệ cao. Bởi nếu không thực hiện những quy trình này thì tư duy cũ, con người cũ sẽ chẳng thể nào nâng cao chất lượng DN được - một đại biểu HĐND TP nói. Đại biểu Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, khẳng định, yếu tố con người là quan trọng, nhưng lao động hiện nay là thiếu chỗ nào đắp chỗ đó chứ không căn cơ. Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Sở LĐTB-XH TP cho biết, trong 47 DN đang phải tái cơ cấu, có 11 DN không đề cập đến lao động trước và sau tái cơ cấu. Mặc dù trong tổng số 34.000 lao động, số lao động dôi dư không đáng kể, nhưng vấn đề là các DN không nêu được việc tăng năng suất, chất lượng, tăng tiền lương cho người lao động.

Do vậy, để cổ phần hóa DNNN có hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát kỹ từng DN để thấy được thực trạng bức tranh tài chính, nợ nần, những phương án khả thi, từ đó có chính sách tháo gỡ gút mắc cho từng đơn vị. Phải xây dựng được phương án kinh doanh hiệu quả, hấp dẫn thì mới thu hút được nhà đầu tư khi cổ phần hóa.

HÀN NI

- Bài 1: Khó trăm bề

Tin cùng chuyên mục