Kiến nghị giữ nguyên thuế suất vàng trang sức

(SGGPO).- Chiều ngày 19-11, đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết vừa có văn bản góp ý với Bộ Tài chính sau khi Bộ này đưa ra dự thảo Thông tư điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để lấy ý kiến, trong đó đã điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng có hàm lượng từ 95% trở lên tăng từ 0% lên 2%.

(SGGPO).- Chiều ngày 19-11, đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết vừa có văn bản góp ý với Bộ Tài chính sau khi Bộ này đưa ra dự thảo Thông tư điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để lấy ý kiến, trong đó đã điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng có hàm lượng từ 95% trở lên tăng từ 0% lên 2%.

Cụ thể, VGTA đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng này như hiện hành là 0% trong một thời gian nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của các doanh nghiệp vào sự ổn định của chính sách vĩ mô để họ yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Trong trường hợp cần thiết phải áp mức thuế suất xuất khẩu cho mặt hàng này thì xem chia thành 2 mức: thuế suất đối với các nhóm hàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng nhỏ hơn 99% là 0%; đối với các nhóm hàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng lớn hơn 99% là 0,5%.

Văn bản của VGTA nêu rõ, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng và khuyến khích sản xuất- kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các DN vàng bạc đá quý Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển hoạt động sản xuất- kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, như đầu tư nhà xưởng, công nghệ và dây chuyền sản xuất mới, hiện đại; tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động và đang góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
 
Tuy nhiên, do kinh tế đang gặp khó khăn, khiến tổng cầu suy giảm mạnh, nên hoạt động tiêu thụ vàng trang sức, mỹ nghệ ở trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA cho biết, hiện các DN vàng bạc đá quý đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn vì  những năm gần đây, các DN này chưa được phép vay vốn tín dụng ngân hàng và chưa được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mà chủ yếu phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường.
 
Trong khi dó, các DN vàng bạc đá quý Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các DN Việt Nam vì thuế xuất khẩu bằng 0, được nhập khẩu nguồn nguyên liệu…
 
Do đó, các DN vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời gian tới, nếu phải chịu mức thuế suất 2% như quy định tại dự thảo Thông tư mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến.
 
Theo ông Long, việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ là xuất khẩu giá trị lao động sống và tái tạo ngoại tệ từ nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ nhập khẩu nên cần được khuyến khích để tạo việc làm hàng vạn lao động ở các làng nghề… Hơn nữa, khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì ngành vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn nữa.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục