Hút vốn cho giao thông

* Năm 2014: 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân đầu tư vào giao thông
Hút vốn cho giao thông

* Năm 2014: 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân đầu tư vào giao thông

Phát triển hạ tầng giao thông là động lực phát triển của nền kinh tế, thế nhưng nguồn vốn nhà nước cho lĩnh vực này lại ngày càng eo hẹp, chính vì vậy mà việc tìm giải pháp để thu hút nguồn vốn lớn cho giao thông đang là một bài toán lớn đặt ra đối với Bộ GTVT. Câu hỏi làm thế nào để thu hút nguồn vốn lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư đã phần nào có câu trả lời tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông” do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì ngày 12-12 tại Hà Nội.

Thách thức vô cùng lớn

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn về huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Hiện các dự án PPP (hợp tác công tư) trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện dưới hình thức BOT, đã có dự án thành công mang lại lợi ích cho cả hai phía Nhà nước và tư nhân nhưng cũng có những dự án thất bại, ví dụ cầu Ông Thìn, bãi đỗ xe ngầm tại TPHCM, đường sân bay Liên Khương - đèo Prenn...

Tuyến cao tốc Nội Bài - Nhật Tân đang được thi công.

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, hiện chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về thành công - thất bại của các dự án PPP được thực hiện và công khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nhận diện được một số thách thức rất lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đó là kênh huy động vốn dài hạn cho nhà đầu tư tư nhân rất hạn chế. Hiện các nhà đầu tư tư nhân phải trông chờ chủ yếu vào các khoản vay ngân hàng thương mại, trong khi ngân hàng thương mại tại Việt Nam rất hạn chế đối với khoản vay dài hạn này, đặc biệt trong giai đoạn chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng, các ngân hàng đều đòi hỏi điều kiện đảm bảo khoản vay rất chặt chẽ, nhưng theo quy định của Chính phủ, Nhà nước không bảo lãnh các khoản vay thương mại trong nước của các doanh nghiệp.

Ngoài nguồn vốn ngân hàng, một trong những kênh quan trọng để các nhà đầu tư là thị trường chứng khoán, nhưng do xuất phát điểm của các nhà đầu tư trong nước và của thị trường chứng khoán nước ta còn thấp nên hầu như các nhà đầu tư hạ tầng cơ sở chưa khai thác hiệu quả được kênh này.

Một thách thức rất lớn được các nhà quản lý và các doanh nghiệp chỉ ra tại hội thảo, đó là hành lang pháp lý của chúng ta hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Bà Sindy Wong, Phó Chủ tịch Công ty Mạng lưới vận tải IL&FS (Ấn Độ) cho rằng, Việt Nam đang rất thiếu quy định, thể chế và luật pháp, trong khi để thu hút được vốn PPP, điều đầu tiên là cần sự đầy đủ, ổn định về cơ chế chính sách.

Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cũng thừa nhận, hành lang pháp lý của chúng ta hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Nhiều đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, địa phương trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, chính sách phí chưa hoàn thiện, chưa có mức phí đường cao tốc, phí cho các lĩnh vực đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không. Đến nay, cũng chưa có cơ chế hỗ trợ phần thiếu hụt tài chính dự án…

Cần kiểm soát và chia sẻ rủi ro

Theo đại diện Bộ Tài chính, để hút được vốn tư nhân vào hạ tầng theo hình thức PPP, cần có một cơ chế kiểm soát - chia sẻ rủi ro hữu hiệu giữa các bên. Trước hết, phải cân bằng được lợi ích giữa các dự án này với các dự án đầu tư thông thường khác. Hạn chế bởi tính dài hạn, quy mô lớn phải được bù đắp lại bằng mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn thông thường hoặc bằng một mức độ ổn định. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị các cơ quan quản lý có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí... do tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị, Bộ GTVT cần công khai thông tin về các dự án cần kêu gọi vốn đầu tư, tình hình triển khai thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư, đồng thời, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển trong việc kết hợp giữa dịch vụ ngân hàng với việc thu phí thông qua thẻ để áp dụng thu phí tại Việt Nam, nhằm kiểm soát tốt hơn nguồn thu thông qua ngân hàng, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các dự án, rút ngắn thời gian phải vay vốn ngân hàng.

Về định hướng, đại diện Bộ GTVT cho biết, sắp tới sẽ có danh mục các dự án đầu tư rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư tìm hiểu. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh chính sách nhượng quyền để tạo ra nguồn lực đầu tư, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án PPP. Đặc biệt, về chính sách phí và tài chính sẽ phải tiếp cận chung với các thông lệ quốc tế, các thông tư thu phí hiện nay cần có sự điều chỉnh rõ ràng hơn. Bộ GTVT cũng sẽ đề nghị Chính phủ, các ngân hàng nâng mức tín dụng đối với các dự án giao thông.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ tiếp thu những đề xuất của doanh nghiệp tại hội thảo về cơ chế chính sách, về các quy định tín dụng, phí… và phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và bảo đảm sự hài lòng cho người dân. Bộ trưởng cũng cho biết đang chỉ đạo lập dự án xã hội hóa cho từng loại hình cụ thể để có hình thức thu hút vốn phù hợp. Bộ trưởng cho rằng, cần một cú hích để tăng cường thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, cú hích đó chính là nghị định về PPP sắp được Chính phủ ban hành.

 “Với những cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp, tôi tin rằng, Nghị định về PPP được ban hành chắc chắn sẽ có thay đổi lớn, thúc đẩy mạnh mẽ thu hút nguồn vốn PPP vào giao thông. Vì thế tôi yêu cầu các cục, vụ của bộ ngay sau khi nghị định được ban hành phải sớm phối hợp để có văn bản hướng dẫn thi hành”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Theo Bộ GTVT, trong năm 2014, ngành GTVT đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu. Ước tính, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020 cần bình quân khoảng 202.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách như quốc lộ 1 cần bình quân 22.000 tỷ đồng/năm, đường Hồ Chí Minh bình quân 27.000 tỷ đồng/năm.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục