Thành phố Hồ Chí Minh: Kinh tế tăng trưởng chiều sâu

Kỷ niệm 69 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2014) cũng là lúc TPHCM đi gần hết chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX và Nghị quyết HĐND TPHCM về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm, 2011 - 2015. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường nhưng ở nhiệm kỳ này TPHCM đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác lãnh đạo điều hành, hướng nền kinh tế tăng trưởng chiều sâu.
Thành phố Hồ Chí Minh: Kinh tế tăng trưởng chiều sâu

Kỷ niệm 69 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2014) cũng là lúc TPHCM đi gần hết chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX và Nghị quyết HĐND TPHCM về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm, 2011 - 2015. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường nhưng ở nhiệm kỳ này TPHCM đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác lãnh đạo điều hành, hướng nền kinh tế tăng trưởng chiều sâu.

Ấn tượng kết quả đầu tư

Trong công tác chỉ đạo điều hành, quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố ngay từ đầu nhiệm kỳ là không phải bằng mọi giá để đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà tăng trưởng phải gắn với phát triển bền vững, phải đưa kinh tế - xã hội thành phố tăng trưởng chiều sâu. Chủ trương được triển khai với hàng loạt giải pháp cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Như trong lĩnh vực đầu tư, thành phố chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn. Với định hướng này, thành phố đã tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, ngoài các chính sách chung của Trung ương, TPHCM đã thực hiện thêm các chính sách ưu đãi đầu tư riêng của mình. Vì vậy, Tập đoàn Samsung đã quyết định đầu tư dự án Nhà máy sản xuất hàng điện tử với tổng vốn trên 1 tỷ USD vào TPHCM, ngay trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

TPHCM đạt các chỉ tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Ảnh: Cao Thăng

Tại Khu Công nghệ cao thành phố - nơi thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, thực hiện công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất tại đây ước đạt 1.187,7 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu ước 1.183,4 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung là 110 doanh nghiệp; trong đó có 10 công ty nằm trong danh sách 50 công ty hàng đầu Việt Nam, tiêu biểu có 3 doanh nghiệp hàng đầu thế giới như HP, IBM, KDDI.

Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng, ngay trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Theo số liệu mới nhất của Sở KH-ĐT, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm 2014 có 241 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,06 tỷ USD, so cùng kỳ giảm 7,3% về số dự án nhưng tăng 80,3% về tổng vốn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp thành phố đã đầu tư, trang bị lại thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại để sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo phân tích của đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Chỉ tính năm 2014, chỉ số phát triển công nghiệp tăng liên tục qua 8 tháng. Cụ thể, 8 tháng ước tăng 6,5%, so cùng kỳ chỉ tăng 5,5%.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, tổ chức chương trình chuyển giao các tiến bộ về giống và đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển mô hình nuôi cá cảnh… Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả; giảm diện tích trồng lúa một vụ, hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện của thành phố.

Trăn trở

Triển khai chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thành phố đã ban hành, triển khai thực hiện 51/72 chương trình, đề án. Theo nhận định của lãnh đạo thành phố, đến thời điểm này Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đã góp phần tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Tosok (Tập đoàn Nidec, Nhật Bản) ở Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM là đô thị đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Những năm qua, dù tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động, nhưng từ sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TPHCM luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế ổn định. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố luôn ở mức tăng trưởng gấp 1,5 lần bình quân cả nước; đóng góp khoảng 20% GDP, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 30% tổng thu ngân sách cả nước.

Vai trò của TPHCM ngày càng được nâng cao, không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, kết quả không dừng lại ở những con số ấn tượng này khi hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, đô thị mang tính bứt phá, đáp ứng yêu cầu của một đô thị hiện đại đã và đang được triển khai tạo thuận lợi cho sự đi lại của người dân, mở ra không gian cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới đất nước có thể thấy quy mô, tiềm năng và thế lực của TPHCM đã không ngừng lớn mạnh. Thành phố trẻ đang thay đổi từng ngày, điều này rất dễ nhận ra đối với những ai phải đi đâu một thời gian xa thành phố dù chỉ là ngắn ngủi, khi trở về nhìn những công trình hạ tầng liên tục được khởi công, các dự án đô thị hiện đại thi công rầm rộ...

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa thành phố không còn những bề bộn, tồn tại, khiếm khuyết. Đó là khi hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là trật tự đô thị chưa được thiết lập căn cơ; công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều phiền hà gây bức xúc cho dân và doanh nghiệp; phát triển kinh tế chưa đi đôi với bảo vệ tốt môi trường sống. Việc giải quyết các điểm ngập trong thời gian qua vẫn chưa bền vững, khả năng tái ngập rất cao.

Những hộ nghèo dù đã vượt chuẩn nghèo giai đoạn 3 của thành phố (trên 12 triệu đồng/người/năm) nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống… Tất cả những vấn đề này cần tiếp tục được đặt ra giải quyết nhanh chóng vì tăng trưởng bền vững phải đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục